
Cách tính sai số của ĐKĐT để bồi hoàn cho khách hàng sử dụng điện đang là mối quan tâm của nhiều người. Hiện có ba cách tính được đề xuất: một, kiểm định lại ĐKĐT ở một cơ quan độc lập có đủ tư cách; hai là xác định bằng phương pháp đối chứng giữa ĐKĐT với điện kế cơ và ba là lấy điện năng bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số điện kế liền kề trước đó nhân với số ngày sử dụng ĐKĐT.
Tuy nhiên, qua báo chí, chúng tôi được biết nhiều chuyên viên đo lường và quản lý ngành điện đều cho rằng cả 3 phương án trên đều chưa ổn.

Không lạm bàn về chuyên môn, với tư cách khách hàng, tôi chỉ mong các cơ quan hữu quan nên có một cách tính khả thi theo chiều hướng không tiếp tục làm phiền khách hàng, đồng thời cho vụ việc mau chóng được xếp lại để khách hàng lẫn ngành điện và xã hội nói chung dành thời gian, tâm trí và sức lực lo cho nhiều việc khác.
Theo tôi, nên lấy bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số điện liền kề trước và sau khi thay điện kế để đối chiếu và lấy mức chênh lệch để đền bù cho khách hàng. Tuy cách này chỉ có giá trị tương đối nhưng là cách nhanh và tiện lợi nhất vì đã có sẵn các chỉ số điện tiêu thụ. Hơn nữa, có thể yên tâm vào tính khách quan trong việc tiêu thụ điện năng của khách hàng trong giai đoạn hạn định đã qua.
Về ý kiến “lo ngại” khách hàng lợi dụng sử dụng điện thoải mái mà không phải trả tiền (nếu áp dụng phương án 3), chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm. Ngành điện có thể không áp dụng những phương án “bất ổn” đối với mình nhưng đừng biến khách hàng từ chỗ “nạn nhân” bỗng trở thành người bị nghi ngờ là “kẻ cắp”!
QUỲNH NHƯ
Quyền lợi của người sử dụng điện phải được bảo vệ Sở Công nghiệp TP thì đưa ra phương án lấy điện năng bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số điện kế liền kề trước đó rồi nhân với số ngày sử dụng ĐKĐT. Tuy nhiên, theo các chuyên viên, cả 3 phương án đều khó thực hiện, phương án nào cũng có mặt được và chưa được của nó. Chúng tôi mong vụ việc này sẽ được giải quyết thỏa đáng như lời Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu: “UBND TPHCM cam kết trước người dân thành phố là không để người dân bị thiệt. Quyền lợi của khách hàng sử dụng điện phải được bảo vệ. . .” Tại cuộc họp báo ngày 23-7, Tổng Công ty Điện lực VN (EVN) đã đưa ra hai phương án tính sai số và Sở Công nghiệp TP đưa ra một phương án. Theo chúng tôi, cả 3 phương án đưa ra, mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm. Với hai cách như EVN nêu ra phải cần thời gian và công sức phức tạp. Chỉ riêng việc đến nhà những người dân có khiếu nại ĐKĐT để kiểm tra, mỗi đoàn phải có đến 3 nhân viên điện lực thì lấy đâu ra người để chỉ làm việc này ! Với cách như Sở Công nghiệp TP đề nghị có thể dễ chấp nhận do cách làm đơn giản, không tốn nhiều thời gian, đó là chưa kể có phần thuận lợi khi mọi dữ liệu đều có sẵn ở từng điện lực. Người dân không yêu cầu chính xác tuyệt đối trong việc bồi thường tiền điện cho dân, bởi ai cũng hiểu đòi hỏi như thế là “gây khó” và không tưởng. MINH XUÂN (Quận 5) - THU Ý (Bình Thạnh) |