Dùng máy tạo dòng để ăn cắp điện

Phải bị xử lý nghiêm khắc!

Phải bị xử lý nghiêm khắc!

Hiện nay, tình trạng dùng máy tạo dòng để gian lận trong sử dụng điện khá phổ biến. Trong năm 2005, Điện lực Tân Bình, Gò Vấp và Gia Định đã kiểm tra và lập biên bản xử lý hàng trăm vụ gian lận điện bằng máy tạo dòng, tăng gấp 4-5 lần so với những năm trước đây.

  • Nạn ăn cắp điện gia tăng

Sau nhiều lần nhận thấy chỉ số tiêu thụ điện năng quá ít so với các thiết bị trong nhà của hộ V.N.T. (đường Nguyễn Văn Nghi phường 7 quận Gò Vấp), ngày 15-7-2005, Điện lực Gò Vấp kết hợp với công an phường tiến hành kiểm tra. Máy đo của đoàn kiểm tra cho thấy dòng điện giữa 2 dây pha (dây nóng và dây nguội) của hệ thống điện trong nhà có sự chênh lệch bất thường.

Phải bị xử lý nghiêm khắc! ảnh 1

Một số dạng máy tạo dòng được Điện lực Gò Vấp phát hiện và xử lý. Ảnh: SONG PHA

Tại cầu dao tổng 100A của điện kế cấp ra hệ thống điện nhà là 21,5A nhưng đĩa điện kế thì đứng yên không đo đếm được điện năng tiêu thụ của khách hàng. Khi nhân viên điện lực cô lập dây nguội của cầu dao 100A, hệ thống điện vẫn hoạt động bình thường trong lúc đĩa điện kế đứng yên và hoàn toàn không đo được lượng điện năng tiêu thụ.

Khi kiểm tra các thiết bị và hệ thống điện trong nhà, đoàn kiểm tra phát hiện trên trần lầu 1 có 1 máy tạo dòng; một đầu dây của máy được đấu nối vào hệ thống điện nhà, đầu còn lại được nối với dây đồng móc vào cây sắt nằm trong cột bê tông. Máy tạo dòng này có bộ phận điều khiển từ xa (remote).

Tại quận Tân Bình, ngày 12-10-2005, Điện lực Tân Bình phối hợp với Công an phường 2 quận Tân Bình kiểm tra hộ N.T.K.T. ở đường Nguyễn Trọng Tuyển. Khi kiểm tra điện kế nhân viên đã phát hiện hộ này đang sử dụng máy tạo dòng để gian lận điện. Tuy nhiên ngay sau đó, các thông số trên thiết bị phát hiện máy tạo dòng của đội kiểm tra cho thấy máy tạo dòng đã ngưng hoạt động.

Kiểm tra thêm, nhân viên điện lực phát hiện có một máy điện thoại ở phòng tắm có ống nghe nằm ngoài thân máy. Theo phản ứng thông thường, nhân viên này đặt ống nghe vào vị trí bình thường, ngay lập tức máy tạo dòng hoạt động trở lại.

Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm vụ mà các điện lực khu vực phát hiện lập biên bản xử lý trong năm 2005. Ông Huỳnh Long Hải, Phó Giám đốc Điện lực Gò Vấp cho biết, trường hợp sử dụng máy tạo dòng để gian lận điện khá phổ biến.

Trong năm 2005, Điện lực Gò Vấp truy thu trên 2 triệu kWh với số tiền trên 3 tỷ đồng, trong đó xử lý truy thu 91 trường hợp dùng máy tạo dòng để ăn cắp điện; Điện lực Tân Bình truy thu 4,7 triệu kWh với số tiền 6,6 tỷ đồng, trong đó có 92 vụ dùng máy tạo dòng ăn cắp điện; Điện lực Gia Định truy thu 3,48 triệu kWh, thu 4,8 tỷ đồng, trong đó xử lý 139 trường hợp dùng máy tạo dòng ăn cắp điện.

  • Phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Phần lớn các hộ ăn cắp điện thuộc dạng… không nghèo; nhà có nhiều tầng và có trang bị các thiết bị sử dụng điện như máy lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng... Khi đoàn kiểm tra phát hiện lập biên bản thì các hộ gắn máy tạo dòng để ăn cắp điện đều khai có một nhóm người mặc đồ giống nhân viên ngành điện đến tiếp thị máy “tiết kiệm điện” tận nhà với giá từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huỳnh Miền, Phó Giám đốc Điện lực Tân Bình cho biết, cấu tạo máy tạo dòng như máy biến áp (giá chỉ khoảng từ 200 ngàn đến 400 ngàn đồng) nhằm làm cho cường độ dòng điện đi ra cao hơn để làm đứng hoặc quay lùi chỉ số đếm các loại điện kế. Dùng máy tạo dòng để gian lận điện là vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng cung cấp điện.

Bên cạnh đó, máy tạo dòng thường dùng dây nguội chôn vào tường, nếu tiếp đất không tốt có thể gây giật điện. Các hộ ở chung cư thường đấu nối dây vào ống nước nên khi cường độ dòng điện từ máy tạo dòng gia tăng, ống nước có thể dẫn điện gây giật điện đối với những hộ dùng chung đường nước.

Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng quản lý Điện năng (Sở Công nghiệp TPHCM) cho biết, tình trạng dùng máy tạo dòng phổ biến một phần do người bán, lắp đặt máy tạo dòng chưa được ngành chức năng điều tra xử lý đến nơi đến chốn. Thêm vào đó, những trường hợp gian lận điện theo mức phạt hiện nay chỉ phạt 5% trên số tiền truy thu (nếu không xác định được thời gian thì sẽ truy thu tiền điện không quá 12 tháng) đối với hợp đồng cung cấp điện sinh hoạt và 12% hợp đồng cung cấp điện sản xuất kinh doanh dịch vụ là quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Nhiều trường hợp dùng máy tạo dòng sử dụng trên 1 năm mới bị phát hiện, khi nộp tiền truy thu, nộp phạt xong thì có thể “hòa vốn” thậm chí còn “lời”. Trong khi đó, trước đây, ngoài việc bị truy thu tiền sử dụng điện gian lận, hộ vi phạm gian lận điện còn phải nộp phạt gấp 3 lần mức tiền truy thu. Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng cần tăng mức phạt và áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với người vi phạm. 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục