
Sau 3 ngày làm việc, ngày 25-2, Hội nghị quốc tế lần thứ hai về kiểm soát dịch cúm gia cầm ở châu Á đã bế mạc.
Đoàn đại biểu từ 28 quốc gia tham dự hội nghị đã kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế xem cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm là ưu tiên hàng đầu và kêu gọi thêm nhiều nguồn lực tài chính giúp đỡ cho các nước, các khu vực trong các chiến dịch phòng chống cúm gia cầm.

Phóng viên nước ngoài thăm trại gà của chị Nguyễn Thị Lạc tại xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn, TPHCM.
Các chuyên gia đồng ý rằng, sau một năm đợt dịch cúm gia cầm lần thứ nhất, đã có nhiều tiến triển trong việc phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời đối với dịch bệnh. Hiện nay, có ít nơi bùng phát dịch so với cách đây một năm.
Tuy nhiên, virus cúm gây chết người vẫn còn tồn tại trong gia cầm, vịt và các loài động vật hoang dã trong khu vực, tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người và gia súc. Do đó cần có thêm nhiều ngân quỹ và nỗ lực nhằm kiểm soát cúm gia cầm tại các nước có dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Các nước có dịch bệnh cần tìm nhiều biện pháp tích cực hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, chú ý phòng chống việc lây truyền virus H5N1. Cần tuyên truyền rộng rãi cho các nhà chăn nuôi và người tiêu dùng hiểu rõ nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, đòi hỏi các nhà nông và bác sĩ thú y phải hợp tác chặt chẽ nhằm phát hiện sớm nhất virus gây bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời. Ngoài ra, cơ quan thú y phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm sống vì đó là nguyên nhân lây lan chính của virus H5N1.
Hội nghị đưa ra một số chiến lược nhằm giảm thiểu nguy cơ truyền virus H5N1 từ động vật sang người, trong đó có các biện pháp tách biệt các nông trại nuôi gia cầm với các động vật khác. Hội nghị kêu gọi sự giúp đỡ tài chính của cộng đồng thế giới đối với những biện pháp thay đổi này. Ước tính chỉ riêng nguồn vốn tăng cường hệ thống thú y và nâng cấp phòng thí nghiệm nhằm phát hiện và loại trừ bệnh lên đến hơn 100 triệu USD. Ngoài ra cần thêm hàng trăm triệu USD để gầy dựng lại đàn gia cầm và tái cấu trúc toàn bộ ngành chăn nuôi.
Hội nghị đồng ý rằng vaccine là công cụ hữu hiệu để phòng chống dịch cúm gia cầm, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm các loại vaccine để hạn chế thấp nhất nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Hội nghị khẳng định hợp tác virus gây cúm gia cầm xảy ra trên phạm vi rộng, do đó cần sự hợp tác mạnh mẽ của toàn khu vực, trong đó hệ thống hợp tác khu vực do FAO vừa thành lập cần được mở rộng. Điều đáng nói là nếu không có ngân quỹ, hệ thống này sẽ chấm dứt hoạt động trong vòng 6 tháng tới. Hiện có khoảng 40 triệu ngôi làng ở Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có hình thức chăn nuôi gia cầm thả vườn.
VŨ MINH

