Phải “lật mặt” các trùm

Phải “lật mặt” các trùm

Phản hồi loạt bài “Thâm nhập đường dây buôn lậu xuyên quốc gia”

Báo SGGP số ra các ngày 28, 29 30-11 đăng loạt bài điều tra, phản ánh tình hình vận chuyển, tập kết và phân phối hàng lậu ra thị trường, cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đầu nậu đưa hàng từ Campuchia về Tây Ninh, Long An và TPHCM. Sau khi báo đăng loạt bài, lãnh đạo các cơ quan - đơn vị nghiệp vụ chức năng, người dân trong khu vực đã có ý kiến, phản hồi và kiến nghị.

Có ý kiến cần quy hoạch lại chợ thuốc lá Học Lạc quận 5 TPHCM.

Có ý kiến cần quy hoạch lại chợ thuốc lá Học Lạc quận 5 TPHCM.

  • Trung tá Lê Minh Học, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an huyện Hóc Môn (TPHCM): Quyết liệt, nhưng chưa thể triệt!

Tình trạng buôn bán, tàng trữ và vận chuyển hàng lậu (thuốc lá, rượu ngoại, vải…) trên địa bàn huyện Hóc Môn đã tồn tại hàng chục năm qua, đặc biệt có chiều hướng diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2013. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Hóc Môn đã có nhiều biện pháp ngăn chặn rất quyết liệt. Từ việc chủ động và phối hợp với các đơn vị chức năng, các địa phương giáp ranh tổ chức theo dõi, đột kích bắt quả tang các đối tượng tập kết, tàng trữ hàng lậu, đến việc chốt chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển hàng lậu trên đường. Tính từ đầu năm đến nay, công an huyện đã phát hiện và xử lý 170 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu (trong đó thuốc lá 65 vụ), khởi tố hình sự 22 đối tượng, thu giữ hơn 110.000 gói thuốc lậu, 42 xe máy.

Tuy nhiên, để chặn đứng được hoạt động của các đối tượng buôn lậu quả không đơn giản. Các đối tượng chở thuốc lá bằng xe máy đôn dên, xoáy nòng luôn chạy với tốc độ rất cao, thậm chí chạy vào làn đường ô tô, vì sợ nguy hiểm đến người lưu thông nên lực lượng chức năng không thể rượt đuổi. Biện pháp ngăn chặn thường xuyên là tổ chức trinh sát theo dõi, đột nhập và phá các điểm tập kết, tàng trữ, giao nhận hàng. Tuy nhiên để làm hiệu quả biện pháp này có phải có lực lượng đông, trong khi cán bộ chiến sĩ phụ trách lĩnh vực kinh tế của công an huyện hiện chỉ có 7 người nên cũng khó.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, công an huyện sẽ tăng cường lực lượng, triển khai nhiều mũi tấn công để ngăn chặn nạn buôn lậu cuối năm. Còn để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu vốn nhức nhối lâu nay, thiết nghĩ phải chặn ngay từ gốc. Hàng lậu như một dòng nước, nếu không chặn ngay từ khu vực biên giới và khi lan ra một khu vực rộng thì việc xử lý chỉ là biện pháp tức thời. Về bãi tập kết hàng lậu Than Bùn (bên hông kênh Thầy Cai) mà Báo SGGP thông tin, công an huyện có biết, cuối năm ngoái đã xử lý ở đây 6 vụ, truy tố 1 đối tượng, sau đó tạm lắng. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Công an huyện Đức Hòa (Long An) truy quét quyết liệt để xóa sổ điểm này. 

  • Ông Ngô Văn Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 5B - Chi cục Quản lý thị trường TPHCM: Chỉ như cắt ngọn

Ngày nào cũng canh, tuần nào cũng kiểm tra, phát hiện và xử lý những đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá, rượu ngoại, vải, hàng mỹ phẩm nhập lậu... ở khu vực đường Học Lạc, chợ Kim Biên, đường Trần Xuân Hòa, đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) nhưng hàng lậu vẫn không hết. Dân buôn hàng lậu hiện nay rất quỷ kế, chúng có hệ thống, tổ chức và đường dây chứ không lẻ mẻ như trước. Mỗi một lần ra quân đột kích vào các điểm bán hàng lậu, để không rò rỉ thông tin ra ngoài, chỉ có lãnh đạo các đơn vị phối hợp biết, còn phá án ở đâu, tiếp cận như thế nào, chỉ đến nơi cán bộ mới biết. Ấy vậy mà tụi buôn lậu vẫn biết và có phương án đối phó do có tai mắt canh gác trước cổng các cơ quan, ở đây “nhất cử, nhất động” là tai mắt báo ngay.

Nói thế để thấy rằng, việc xử lý hàng lậu ở TPHCM hiện nay vừa khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn hàng lậu đều đổ về từ khu vực biên giới Campuchia với Long An và Tây Ninh. Tuy nhiên, theo thẩm quyền, chúng tôi chỉ xử lý được hàng lậu trong khu vực, do đó bắt cứ bắt, hàng về thì cứ về. Nói thiệt bắt hàng lậu ở TPHCM hiện nay chỉ như cắt ngọn thôi. Thiết nghĩ, để ngăn chặn hàng lậu vào thị trường Việt Nam nói chung, đặc biệt là hàng cấm nói riêng, các ngành, các địa phương cần có sự phối hợp, biện pháp đồng bộ, thường xuyên và quyết liệt. Chứ chỗ làm chỗ buông lỏng thì không hiệu quả.

  • Ông Phan Ngọc Phát, Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận 5 (TPHCM): Sớm xóa hoặc quy hoạch lại “chợ” thuốc lá Học Lạc

Bên cạnh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuốc lá có giấy phép, hiện nay dọc hai bên tuyến đường Học Lạc, hiện vẫn có gần chục cửa hàng lén lút mua bán các loại thuốc lá ngoại không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Địa phương cũng rất đau đầu trước thực trạng này. Ngoài các biện pháp nghiệp vụ của công an phường, phối hợp với quản lý thị trường theo dõi, phát hiện và xử lý các trường hợp mua bán, tàng trữ thuốc lá lậu, về phía chính quyền, UBND phường thường xuyên tổ chức vận động, kêu gọi các hộ kinh doanh trên tuyến đường Học Lạc phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định trong kinh doanh.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ thuốc lá lậu tại khu vực này, thời gian qua, phường đã có nhiều văn bản đề xuất UBND quận 5 giải quyết theo 2 phương án: Một là, cấm hẳn việc kinh doanh thuốc lá tại khu vực này. Hai là, nếu để tồn tại thì cần quy hoạch thành một chợ hoặc trung tâm kinh doanh chuyên về thuốc lá. Khi đó việc nhập bán thuốc lá rõ ràng, địa phương và ngành chức năng dễ quản lý hơn, tuy nhiên tiến trình này đến nay chỉ mới dừng lại ở bước khảo sát.

  • Ông Trần Căm, “trùm” buôn lậu (đã giải nghệ), xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa (Long An): Phải bắt được “trùm”!

25 năm đi hàng lậu (vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng lậu - PV), 3 lần ở tù vì vận chuyển thuốc lá “lậu”, tôi hiểu rõ từng phương thức hoạt động của dân buôn lậu. Theo tôi để triệt được nạn buôn lậu không khó. Hiện nay, số lượng đầu nậu buôn lậu có hàng trăm (ở khu Long An, Tây Ninh và TPHCM), còn cả nước tôi nghĩ là hàng ngàn. Thế nhưng, số trùm buôn lậu (người đứng đầu các đường dây mua bán hàng lậu - vừa kế sách phương thức hoạt động vừa quan hệ với cơ quan chức năng) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả khu tam giác Long An, Tây Ninh, TPHCM này hiện chỉ còn khoảng 3 “trùm”. Nếu các lực lượng chức theo dõi, phá án, bắt được các “trùm”, tôi nghĩ nạn buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá điếu sẽ giảm đến 75%.

Ngoài ra, nhà nước cần tăng mức phạt, cả hành chính lẫn phạt tù để răn đe. Hiện nay mức phạt hành chính cao nhất cho người buôn lậu rượu là 100 triệu đồng, đây là số tiền tương đối lớn, tuy nhiên đối với các “đầu nậu” buôn lậu thì mức phạt này chẳng đáng là bao so với lợi nhuận thu được nên họ “không ngán” mỗi khi bị bắt. Mặt khác, địa phương cần tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là khu vực giáp ranh biên giới (rất nghèo), để họ có điều kiện cải thiện cuộc sống. Chứ còn nghèo, còn thiếu thốn thì “nghề buôn lậu” sẽ không bao giờ tách được khỏi họ.

  • Đại úy Nguyễn Hoàng Tuân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an huyện Bình Chánh: Cần dẹp các “lò” độ xe

Ngoài các biện pháp truy bắt, phá các đường dây buôn lậu, tăng mức phạt, tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo ở các khu vực biên giới, giáp ranh… Theo tôi, để ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu ở tuyến giữa (Bình Chánh - Hóc Môn - Củ Chi - Đức Hòa), lực lượng chức năng cần chú ý đến các “lò” độ xe trên địa bàn. Hầu hết hàng lậu khi qua Việt Nam, phân phối ra thị trường, các “đầu nậu” đều sử dụng xe máy đôn dên, xoáy nòng để vận chuyển. Không ít “đầu nậu” có cả những “lò” độ xe riêng. Đây là một bộ phận tiếp tay cho nạn buôn lậu ngày càng hoạt động phức tạp. Dẹp các “lò” độ xe hoạt động trên địa bàn cũng là một giải pháp cần làm, góp phần đẩy lùi hoạt động buôn lậu gây nhức nhối lâu nay.

Ngoài ra, cũng cần xem lại lại biện pháp xử phạt hành chính đối với các đối tượng chở thuốc lá “lậu”. Tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của huyện đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng đối với các đối tượng vận chuyển thuốc lá “lậu”, tuy nhiên đến nay chưa thu được đồng nào, vì các đối tượng này không có tài sản.

Từ đầu năm 2013 đến nay, tại “chợ” Học Lạc (phường 14, quận 5, TPHCM) - điểm buôn bán thuốc lá lớn nhất TPHCM và khu vực miền Nam, lực lượng quản lý thị trường và công an địa bàn đã kiểm tra, phát hiện 116 vụ mua bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá lậu, thu giữ 76.515 gói thuốc, khởi tố hình sự 1 đối tượng. Đã giao cho Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu (Ban 127) 72.265 gói thuốc lá còn chất lượng, tiêu hủy 4.865 gói thuốc lá không đạt chất lượng, nộp ngân sách gần 1,1 tỷ đồng.

TUẤN VŨ

- Bài 3: Điểm cuối của hàng lậu

Tin cùng chuyên mục