
Từ ngày mai 1-4, Nghị định 158/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch chính thức có hiệu lực. Điểm nổi bật trong nghị định này là phân cấp mạnh thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi đi đăng ký hộ tịch.
Đăng ký kết hôn chỉ cần xuất trình giấy CMND
Theo quy định cũ, khi giải quyết đăng ký kết hôn cho công dân trong nước thì phải niêm yết công khai việc xin đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường trong thời hạn 7 ngày. Theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính-Tư pháp (Bộ Tư pháp), Nghị định 158 đã bãi bỏ thủ tục này, đồng thời cũng đã giảm bớt giấy tờ đăng ký hộ tịch.

Cụ thể, khi người dân đi đăng ký kết hôn, chỉ cần có tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu) có chứng nhận hợp pháp dưới 6 tháng, và xuất trình giấy Chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch) – thay vì phải nộp cả giấy khai sinh của cả 2 bên nam nữ như quy định cũ, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy tạm trú có thời hạn. Thời gian giải quyết được rút ngắn lại chỉ còn là 5 ngày, tối đa là 10 ngày, xác nhận tình trạng hôn nhân tối đa là trong 5 ngày phải thực hiện xong.
Đối với việc khai sinh, nếu không có giấy chứng sinh của trẻ thì chỉ cần giấy cam đoan của người đi khai sinh và xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ (nếu có). Đồng thời, nếu cha mẹ không thể đến các cơ quan chức năng để khai sinh cho con, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác có thể đi khai sinh cho trẻ.
Bên cạnh đó, Nghị định còn tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp lại bản chính giấy khai sinh, con nuôi được đổi giấy khai sinh khác, được nhận người chết là cha mẹ, không hạn chế số lượng khi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người dân, tránh những rắc rối, phiền hà khi phải thực hiện thủ tục qua nhiều khâu trung gian.
Được đăng ký hộ tịch tại nơi cư trú
Bên cạnh đó, Nghị định 158 đã tạo một bước chuyển biến mới khi mở rộng thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân theo nơi cư trú. Trước đây, thẩm quyền đăng ký hộ tịch được quy định tại nơi có hộ khẩu thường trú, tạm trú của người mẹ. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng, đặc biệt là khi không xác định rõ nơi cư trú của người mẹ hoặc ở quá xa so với nơi ở hiện tại khiến người dân phải vất vả đi lại nhiều lần...
Theo quy định mới, đối với công dân Việt Nam ở trong nước thì việc đăng ký được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú. Nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu. Tương tự, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam cũng được đăng ký hộ tịch tại nơi người đó thường trú hoặc tạm trú...
Ông Trần Thất cho biết, đối với những trường hợp gặp vướng mắc trước kia do không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì có quyền khai sinh cho trẻ tại nơi cư trú của người cha. Thậm chí, nếu không xác định rõ nơi cư trú của người cha thì có thể khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi trẻ đang sống.
Việc nhận cha, mẹ, con thay vì chỉ có UBND cấp xã nơi người con cư trú giải quyết thì tới đây sẽ được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện. Đối với những trường hợp dưới 14 tuổi, khi cần thay đổi, cải chính hộ tịch thì có thể đến UBND xã, phường, thị trấn để giải quyết. Đây là sự phân cấp mạnh so với trước là việc cải chính hộ tịch đều phải do UBND cấp tỉnh, thành phố giải quyết.
Một quy định mới khác là cấp xã, phường được phân cấp thẩm quyền thay đổi họ, chữ đệm, tên trong giấy tờ hộ tịch; cải chính trong giấy khai sinh của trẻ dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi. Cấp huyện (mà đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây) sẽ tiến hành giải quyết các việc thay đổi cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh lại hộ tịch cho mọi trường hợp. Cấp tỉnh chỉ còn phải chịu trách nhiệm giải quyết đối với những trường hợp có yếu tố nước ngoài nên đã góp phần giảm tải đáng kể áp lực công việc hộ tịch ở cấp này.
MINH GIANG