Phản ứng chậm chạp

Ngày 27-8, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị “Tuyên truyền phổ biến pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam”, nội dung chủ yếu phổ biến những quy định về tiêu thụ nông sản có sự tham gia của thương nhân nước ngoài.

Lâu nay, đầu ra cho nông sản luôn là nỗi trăn trở và bức xúc của nông dân. Nông sản được mùa mất giá, được giá mất mùa, ế hàng, tồn đọng khi vào vụ thu hoạch… là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm”, được dư luận đề cập khá nhiều nhưng vẫn không xoay chuyển được tình hình. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đến năm 2008, tiếp tục có Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tính đến nay, đã qua 10 năm, hai văn bản pháp luật về một vấn đề được ban hành nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), sau 10 năm thực hiện Quyết định 80 và Chỉ thị 25, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn ở mức rất thấp.

Đến nay, lúa hàng hóa tiêu thụ qua hợp đồng chỉ đạt 2,1%, chè 9%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%, thủy sản 13%, gỗ 16,7%... Chỉ vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như trồng và tiêu thụ bông đạt hơn 90%, nuôi bò sữa 80%. Chính vì mối liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung; đầu ra không ổn định, thu nhập của nông dân bấp bênh; doanh nghiệp không thể thu mua được sản phẩm có chất lượng.

Lợi dụng kẽ hở này, thời gian vừa qua, thương nhân nước ngoài vào Việt Nam với hình thức du lịch, ào ạt thu mua nông sản đã phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến; gây bất ổn thị trường, thất thu thuế, mất ổn định kinh tế thương mại, dẫn đến mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự xã hội tại các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ tháng 5-2011 đến nay, hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Hoạt động thu mua nông sản trái phép diễn ra ồ ạt, không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại; tận thu nông sản trong thời gian ngắn bằng mọi cách, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp và cả chính nông dân, việc Bộ Công thương tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là tín hiệu rất đáng mừng, song đã quá trễ.

Từ khi thương nhân nước ngoài ào ạt thu mua nông sản ở Việt Nam đến nay đã hơn 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, hàng loạt mặt hàng nông sản như khoai lang, cua biển, khóm, thậm chí lúa gạo đã bị họ thao túng nặng nề, nông dân “lên bờ xuống ruộng” không ít lần. Hơn thế, vấn đề tiêu thụ nông sản qua hợp đồng theo Quyết định 80 nay đã tròn 10 năm nhưng vẫn chưa có đánh giá căn cơ để xây dựng phương thức mới. Điều đó cho thấy Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phản ứng quá chậm đối với những vấn đề thúc bách đặt ra từ đời sống, liên quan đến hàng triệu nông dân.

Tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn không phải chỉ do những hạn chế của văn bản pháp luật mà còn do khâu chỉ đạo tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, liên quan đến chuỗi giá trị ngành hàng.

Thời gian qua, tại ĐBSCL cũng đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp đôi bên cùng có lợi nhưng quy mô nhỏ lẻ. Để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, bền vững, làm thế nào để giảm bớt các khâu trung gian, tránh tình trạng “một con cá chặt làm mấy khúc”, giúp nông dân ổn định đầu ra nông sản, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp và nhất và việc giảm thiểu những thiệt hại không đáng có từ thương nhân nước ngoài là vấn đề mà ngành nông nghiệp và ngành công thương phải quyết liệt vào cuộc để tìm lối ra căn cơ cho mặt hàng nông sản, bảo đảm thu nhập nông dân.

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục