Nhiều phong trào có sức sống và tác động lớn như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thanh niên TPHCM khởi nghiệp - lập nghiệp, lao động giỏi, lao động sáng tạo, cải cách hành chính, hiến đất mở hẻm… Cũng từ phong trào thi đua yêu nước, nhiều tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới, “những tấm gương thầm lặng mà cao cả” đã xuất hiện trên các lĩnh vực, đóng góp nổi bật với các sáng kiến, giải pháp hữu ích và trở thành niềm cảm hứng cho cộng đồng.
Bước sang năm 2021, phong trào thi đua của TPHCM gắn với chủ đề năm 2021 - “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Góp ý về phong trào thi đua yêu nước, nhiều người dân cho rằng, TPHCM xây dựng đô thị thông minh là rất cần, thực hiện chính quyền đô thị là rất cần, triển khai chính quyền điện tử cũng là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi trước mắt là TPHCM giải quyết nhanh tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, rác thải hoặc xóa tan nỗi lo thường trực của hầu hết mọi người dân về vấn đề an toàn thực phẩm... Đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm, tạo ra bức xúc của người dân. Vì vậy, phong trào thi đua cần đi thẳng, xoáy vào giải quyết những bức xúc đó; xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống người dân để phát động phong trào thi đua một cách hiệu quả, thiết thực và tạo ra kết quả nhìn thấy được.
Phong trào thi đua cần được thực hiện với điểm chung chính là mang lại sự chuyển biến chất lượng cuộc sống của người dân. Có như thế, những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm sẽ được dồn sức giải quyết, từ đó góp phần tạo được sự ổn định và đồng thuận cao trong xã hội. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khơi gợi, phát huy tinh thần yêu nước để mọi người hăng hái, tích cực đổi mới sáng tạo và tạo thành động lực, đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, để phát huy, lan tỏa những kết quả của phong trào thi đua yêu nước thì một vế quan trọng khác là thực hiện tổng kết, đúc rút kinh nghiệm ở từng ngành, từng lĩnh vực, ở từng cơ quan, đơn vị hay từng địa phương.
Tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh sẽ là đòn bẩy của phong trào thi đua một cách thật chính xác. Thế nên, song song với tổ chức phong trào thi đua thiết thực thì công tác khen thưởng cũng cần được chú trọng, thực hiện một cách chính xác, công bằng và công khai. Đặc biệt, khen thưởng thực chất - tức khen thưởng đúng thành tích, đúng người, đúng việc sẽ tạo ra sự cổ vũ, khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo và lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra được động lực tinh thần, khí thế mới trong xã hội.
Những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, gương mẫu về đạo đức cách mạng và đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân cũng cần phải sớm được phát hiện để kịp thời động viên, tôn vinh và nhân rộng trong xã hội. Họ, nhất là trong hệ thống chính trị sẽ không chỉ là hạt nhân của phong trào thi đua, mà còn sẽ là nguồn cung cấp cán bộ ưu tú, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển TPHCM nói riêng và đất nước nói chung.
Bác Hồ từng nói, càng khó khăn thì càng phải thi đua, tinh thần, tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, gây thêm áp lực và nhiều khó khăn trong đảm bảo an sinh xã hội, trật tự - an toàn xã hội. Những khó khăn, thách thức ấy đòi hỏi TPHCM cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước. Phong trào thi đua yêu nước phải trở thành ngọn cờ hiệu triệu mọi người tham gia, chung tay góp sức xây dựng TPHCM và đất nước, nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc và truyền cảm hứng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.