Tiền polymer giả ngày càng giống thật

Phát hiện và phân biệt thế nào?

Tiền giả ngày càng “thật” hơn

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ được một số vụ vận chuyển, sử dụng tiền polymer giả, đặc biệt là loại mệnh giá 500.000 đồng. Điều khiến người dân lo ngại là tiền giả polymer ngày càng giống tiền thật.

Tiền giả ngày càng “thật” hơn

Tháng 5-2005, sau hơn một năm phát hành tiền mới, qua nghiệp vụ phòng chống tiền giả, vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện một số tờ tiền giả có hình thức giống loại 50.000 đồng polymer. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết loại tiền giả này không đáng lo ngại, bởi tờ tiền giả được in bằng giấy in thông thường, không phải là giấy polymer. Có thể nhận biết tiền giả một cách dễ dàng qua quan sát tờ tiền hoặc xé nhẹ bằng tay ở mép tờ tiền, nếu là tiền giả sẽ rách dễ dàng (tiền thật rất khó xé rách khi đồng tiền còn nguyên vẹn); nếu thấy tờ tiền có các vết rách ở mép thì cần kiểm tra cẩn thận vì hiện tượng này ít xảy ra đối với tiền in trên giấy polymer. Một đặc điểm khác là ô cửa sổ trong suốt trên tờ tiền thực chất được dán bằng 1 miếng nilon nên chỉ cần vuốt nhẹ là bị bong.

Một năm sau, loại tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng được phát hiện. Lần này, chất liệu in tiền giả đã được bọn tội phạm “cải tiến” một bước quan trọng: in trên chất liệu nilon, rất giống với tiền thật, dai và khó xé, nếu không nắm được các đặc điểm và không quan sát kỹ thì rất dễ nhầm lẫn. Loại tiền giả này phần lớn có nguồn gốc từ biên giới phía Bắc. Theo ước tính của Công an tỉnh Lạng Sơn, số vụ buôn bán và vận chuyển tiền giả được phát hiện, bắt giữ đến nay chỉ chiếm khoảng 20% so với thực tế.

Phát hiện nhanh tiền giả: dễ hay khó?

“Ở bất cứ nước nào trên thế giới, hễ có tiền thật là sẽ có tiền giả” – trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định như vậy. Đồng Euro sau khi phát hành được 6 tháng đã phát hiện được tiền giả; đồng 100 nhân dân tệ của Trung Quốc mới đây cũng đã phát hiện tiền giả chỉ sau khi đưa ra mẫu tiền mới vào năm 2005. Theo ông Toản, vấn đề là ở chỗ, đối với từng loại tiền, cần đánh giá xem  việc làm giả là dễ hay khó thực hiện. Loại tiền polymer của Việt Nam, sau gần 3 năm phát hành mới xuất hiện tiền giả do có nhiều yếu tố bảo an hơn so với tiền cotton. Mặt khác, ông Toản cho rằng, so với tiền cotton, việc phát hiện tiền giả polymer là dễ dàng hơn.

Trở lại với loại tiền giả polymer mới đây, ông Toản đã đưa cho chúng tôi xem một mẫu tiền giả 500.000 đồng in trên chất liệu nilon mà Ngân hàng Nhà nước đang lưu giữ. Qua quan sát, quả là không khó để phát hiện đây là tiền giả nếu để ý.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là ở tờ tiền giả, mặt phía sau có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như tiền thật. “Có thể ở tiền giả chỉ in được 1 mặt, sau đó tráng thêm một lớp nilon để chống bong mực in” - ông Toản giải thích. Đưa tay cào nhẹ mặt phải tờ tiền, lớp mực in bong ngay một khoảng, lộ phần nilon trong suốt phía trong. Hiện tượng này là không thể xảy ra đối với tiền polymer thật.

Trên thực tế, với nhiều yếu tố bảo an của tiền polymer, còn nhiều cách phân biệt tiền giả - tiền thật khác bằng mắt thường. Chẳng hạn, đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình chân dung tinh xảo, sắc nét; khu vực có hình chân dung sáng hơn nền xung quanh. Ở tiền giả không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của cơ quan công an, đến thời điểm này tiền polymer giả chưa thể giống tiền thật hoàn toàn. Trong số tiền giả thu được có hàng trăm tờ trùng số seri, có nhiều tờ in một mặt còn một mặt trắng.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục