Mít tinh kỷ niệm 30 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột

Phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, xây dựng tỉnh Đắc Lắc giàu mạnh

Phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, xây dựng tỉnh Đắc Lắc giàu mạnh

Sáng 10-3, tỉnh Đắc Lắc đã long trọng tổ chức lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 30 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắc Lắc (10-3-1975 - 10-3-2005). Đến dự có các đồng chí: Trương Quang Được, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan đã từng tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột cùng hơn 10.000 đồng bào đại diện cho gần 1,7 triệu nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, xây dựng tỉnh Đắc Lắc giàu mạnh ảnh 1

Niềm vui của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Đồng chí Y Luyện Niê Kđăm, Bí thư Tỉnh ủy, đã đọc diễn văn ôn lại những trang sử hào hùng, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột “tô thắm thêm trang sử vẻ vang oanh liệt của quân và dân ta, tạo bước ngoặt quan trọng đẩy nhanh quá trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” và kêu gọi đồng bào các dân tộc trong tỉnh hãy phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột xây dựng tỉnh Đắc Lắc, TP Buôn Ma Thuột ngày một giàu đẹp, văn minh.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được phát biểu khẳng định, trong 2 cuộc kháng chiến, đồng bào Tây Nguyên đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh bất khuất, một lòng đi theo Đảng và trận đánh Buôn Ma Thuột thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết gắn bó keo sơn ý Đảng lòng dân là một của đồng bào các dân tộc.

Trong 30 năm xây dựng, đồng bào Đắc Lắc đã phát huy ý chí tự lực tự cường, cần cù lao động, vượt qua khó khăn và đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa tinh thần, bộ mặt đô thị và nông thôn liên tục được đổi mới đáp ứng sự mong đợi, tin tưởng của Trung ương Đảng và đồng bào cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được kêu gọi đồng bào Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng hãy “đoàn kết một lòng sát cánh cùng cả nước góp phần xây dựng một Tây Nguyên giàu đẹp”, xây dựng các tỉnh Tây Nguyên thành một khu vực phòng thủ chiến lược vững chắc của đất nước, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải “nhận thức rõ được trách nhiệm nặng nề mà Đảng, nhân dân đã giao phó, làm hết sức mình để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị”.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã đọc Quyết định số 38/2005 của Chính phủ công nhận Buôn Ma Thuột là đô thị loại 2.

Phát huy tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, xây dựng tỉnh Đắc Lắc giàu mạnh ảnh 2

Nữ dân quân tự vệ Buôn Ma Thuột trong lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Sau 30 năm xây dựng, từ một thị xã có nền công nông nghiệp lạc hậu, thương mại hầu như chỉ phục vụ bộ máy chiến tranh của chế độ cũ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn đến nay Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc: Từ thị xã lên thành phố năm 1995 và hiện có 312.000 dân, 13 phường, 8 xã, có 33 buôn đồng bào dân tộc thiểu số được nhà nước đầu tư đồng bộ về đường, điện, trường, trạm; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về đời sống được kéo mắc điện miễn phí đến tận nhà, tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ, thành phố hiện có 10 trường học đạt chuẩn quốc gia…

Không khí của buổi lễ bắt đầu dâng lên hùng tráng với màn diễu binh diễu hành của các đơn vị quân đội chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương, trong đó có những đơn vị anh hùng đã từng tham gia trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột như Đoàn đặc công 198, Trung đoàn 25 (Sư 2) và đại diện các huyện trong tỉnh, các khối học sinh phổ thông, học sinh dân tộc thiểu số. Cùng tham gia đoàn diễu hành còn có 30 con voi – con vật đã gắn bó với người dân Tây Nguyên và góp công tải đạn, chuyển gạo phục vụ cho chiến dịch Tây Nguyên.

Kết thúc buổi lễ là màn đồng diễn thể dục dưỡng sinh, võ thuật của các CLB dưỡng sinh, vovinam, karate của TP Buôn Ma Thuột.

VĂN PHONG – PHẠM THỤC 

Niềm vui ngày chiến thắng


Thành phố Buôn Ma Thuột hôm qua thức sớm. Mới 5 giờ sáng, khu quảng trường thành phố đã rất đông người tập trung với cờ hoa và áo quần mới thật đẹp, bởi hôm qua là ngày kỷ niệm 30 năm thủ phủ Tây Nguyên được giải phóng (10-3-1975 - 10-3- 2005).

Già làng Ama Chem ở buôn Kosir, 80 tuổi, nhưng ông lại là người có mặt tại quảng trường thành phố này sớm hơn đám thanh niên buôn Kosir: “Vì mình muốn nhớ lại cái ngày hồi xưa... thấy bộ đội chạy cái xe tăng đi qua buôn mình có cắm cái cờ đỏ với cờ xanh đỏ có sao vàng nữa đấy. Cái ngày 10 này xưa mình và con cháu mình đã chui dưới hầm lên hét vang to lắm - Bok (Cụ) Hồ thắng rồi. Bây giờ, nhớ cái ngày ấy, cả nhà mình vui lắm”.

Cô giáo Trường Dân tộc nội trú Nơ Trang Long, Niê Thanh Mai, 25 tuổi, người dân tộc Êđê trong bộ váy áo truyền thống cười rất xinh kể chuyện nhà với tôi. Cô bảo, mẹ cô ngày xưa từng là giao liên, còn cha cô là bộ đội chủ lực, cả tháng nay hai người chỉ nói chuyện “ngày xưa” với nhau, với con cái và cả với những người bạn lâu năm mới gặp lại. Tuy yêu nhau, nhưng cả cha lẫn mẹ Niê Thanh Mai lại lạc mất nhau vì nhiệm vụ tách biệt của mỗi người; bởi vậy giải phóng xong Buôn Ma Thuột họ mới tìm gặp nhau trong những đoàn quân còn thấm đỏ bụi đường ở thành phố này...

Cô chỉ ra khối cựu chiến binh đang đứng chờ duyệt binh ngoài sân quảng trường rộng mênh mông, cười rúc rích: “Cả hai người đồng đội cũ ấy lại đang cùng “say niềm vui chiến thắng” như 30 năm trước đấy. Cha cháu mới mua tặng mẹ giỏ hoa to nhân ngày 8-3 và kỷ niệm ngày họ gặp lại nhau và cưới nhau giữa một trời cờ hoa ngày quê hương Buôn Ma Thuột được giải phóng...”.

Tin cùng chuyên mục