Phát triển doanh nghiệp xã hội vì cộng đồng

Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nhưng tiềm năng rất lớn, góp phần chia sẻ trách nhiệm cũng như chăm lo an sinh xã hội với Nhà nước (thông qua hoạt động đầu tư, kinh doanh sáng tạo).
Đây là lĩnh vực tiềm năng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và bạn trẻ có hoài bão làm giàu cho chính mình, đóng góp vào sự phát triển của đất nước cũng như sống có ích cho xã hội.

Điểm sáng về khởi nghiệp

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội đã phát triển từ lâu và nhận được sự hỗ trợ thiết thực của không chỉ địa phương mà còn từ những tổ chức quốc tế. Trong đó, phổ biến là các nước áp dụng chính sách các nhà đầu tư và quỹ đầu tư vào doanh nghiệp xã hội sẽ được hưởng cơ chế không phải đóng thuế. Tại Thái Lan, Chính phủ còn dành tỷ lệ phần trăm nhất định từ việc phí thu thuế mặt hàng thuốc lá và kinh doanh vũ trường để đầu tư vào doanh nghiệp xã hội.

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, đang tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam. Trung tâm CSIP đã hỗ trợ và đầu tư cho 121 doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Trong đó, có 45 doanh nghiệp xã hội khởi nghiệp; trực tiếp và gián tiếp cung cấp hơn 3.100 nghề nghiệp; đào tạo và thay đổi cuộc sống của 43.270 người; nâng cao chất lượng sống cho 221.000 người có hoàn cảnh khó khăn bằng những sản phẩm và dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, có 87% số doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo đã thực sự lớn mạnh cả về quy mô cũng như năng lực điều hành. 

Thực tế cho thấy, nếu được tạo điều kiện tốt, các doanh nghiệp xã hội hoạt động tại Việt Nam sẽ phát triển bền vững và mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng. Ông Trần Nguyễn Lê Văn, sáng lập Vexere.com, cho biết doanh nghiệp xã hội này ra đời từ sự đồng cảm với việc người dân khó khăn khi xếp hàng mua vé tàu, xe vào những thời gian cao điểm như dịp lễ, tết. Qua 4 năm nung nấu ý tưởng và thực hiện khát vọng cách mạng hóa dịch vụ giao thông vận tải tại Việt Nam, Vexere.com đã đạt được những thành công nhất định như hiện nay. “Doanh nghiệp khởi nghiệp từ doanh nghiệp xã hội, mở mắt ra là đã thấy khó khăn, nhưng người kinh doanh thấy được giá trị mình làm có thể giúp ích được cho xã hội. Doanh nghiệp xã hội phải hiểu tại sao mình làm cái này, có mang đến sản phẩm, dịch vụ giải quyết khó khăn cho cộng đồng xã hội hay không?”, ông Trần Nguyễn Lê Văn chia sẻ. Qua 6 năm thành lập doanh nghiệp xã hội, bà Dương Phương Hạnh, sáng lập CED, cho hay: “Tính đến thời điểm hiện tại, CED đã từng bước nâng cao năng lực hỗ trợ cho người khiếm thính qua việc cung cấp dịch vụ kiến thức và hỗ trợ việc làm. Đồng thời, CED cũng không ngừng nỗ lực nghiên cứu chính sách, công nghệ... để vận động tuyên truyền, tư vấn... Từ đó giúp người khiếm thính hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp xã hội cho rằng, để hoạt động hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp xã hội, họ cũng cần được tạo môi trường hoạt động và khởi nghiệp thuận lợi hơn bằng những cơ chế chính sách cụ thể. Như trong vấn đề vốn, doanh nghiệp xã hội có thể tự kêu gọi, nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Thế nhưng, để nhận được nguồn vốn này phải vướng nhiều thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian để được phê duyệt và hoàn thành hồ sơ pháp lý.
Phát triển doanh nghiệp xã hội vì cộng đồng ảnh 1 Các em học sinh, sinh viên tại lễ trao “Học bổng Saigon Co.op - Chắp cánh tương lai” lần thứ 7, năm 2017 do Saigon Co.op hỗ trợ
Mở cơ chế huy động nguồn lực Hiện nay, ngoài các quy định về đăng ký doanh nghiệp xã hội, công khai và chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội… thì điểm đáng chú ý là doanh nghiệp xã hội được phép nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các nguồn tài trợ khác bằng tài sản, tài chính, hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường. Điều này được đánh giá là giải pháp tháo gỡ “nút thắt” quan trọng về mặt cơ chế huy động nguồn lực, cho phép doanh nghiệp xã hội trở thành đối tượng có thể góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường... Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam là quốc gia có những điều kiện để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Khảo sát của CIEM cho thấy, nhiều thanh niên mới ra trường có khát vọng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Hay có những người sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng ngàn USD/tháng để khởi nghiệp từ doanh nghiệp xã hội. Vai trò quan trọng của doanh nghiệp xã hội đối với kinh tế - xã hội đã được khẳng định với việc luật hóa doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành môi trường pháp lý và những chính sách phù hợp, khuyến khích cho sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường giống nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp thông thường chủ yếu hướng đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, còn doanh nghiệp xã hội thực hiện mục tiêu kinh doanh và phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường, thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp. Theo quy định của Điều 10, Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014, doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI, chi nhánh TPHCM, cho biết TPHCM là nơi tập trung đông đảo đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có những đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh vì cộng đồng không chỉ được khuyến khích ở các doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động lâu dài, mà còn tuyên truyền đến các đối tượng khởi nghiệp, trong đó có giới trẻ. Cũng theo ông Trần Ngọc Liêm, yếu tố kinh doanh và phát triển vì cộng đồng cần được gắn bó chặt chẽ; doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, nhưng luôn đảm bảo môi trường và an sinh xã hội. Để làm được điều này, các bộ ngành, tổ chức, cá nhân; trong đó có VCCI đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực để định hướng và khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân chú trọng xây dựng và phát triển doanh nghiệp vì cộng đồng. Từ đó, từng bước phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân xã hội tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục