Phát triển hệ thống hiện đại để ổn định giá, cung ứng thực phẩm an toàn

Theo các chuyên gia, phát triển hệ thống phân phối hiện đại là xu thế để đem thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Thị trường Tết Nguyên đán đang tới gần, nguồn cung dồi dào, có nhiều đơn vị tham gia, không lo thiếu hàng, sốt giá.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”, tổ chức sáng 15-11 tại Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán vẫn chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), nhất là với thực phẩm tươi sống.

Mua sắm qua kênh hiện đại để có thực phẩm an toàn

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi.

Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị sáng 15-11

Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị sáng 15-11

“Mặc dù chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước, nhưng với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước”, bà Nga nói.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước dẫn chứng, các hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống Saigon Co.op có trên hàng ngàn điểm bán, trong đó số cửa hàng Co.op Food đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc là 571 cửa hàng, cung cấp bữa ăn hằng ngày cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

Tương tự, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam có 21 trung tâm bán sỉ và siêu thị trên toàn quốc, cùng 5 trạm thu mua và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với 2.000 đối tác cung ứng. Hệ thống WinCommerce, chuỗi bán lẻ lớn với hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại 62 tỉnh thành trên cả nước, mỗi năm thu mua và tiêu thụ khoảng 83.000 tấn nông sản. Trong đó, hơn 50% là rau củ và trái cây thu mua từ các nhà cung cấp địa phương. Hệ thống Big C & Go! với 72 cửa hàng trên khắp tỉnh thành, cung cấp các thực phẩm đa dạng, tươi mới.

Mua sắm tại hệ thống siêu thị của Wincommerce

Mua sắm tại hệ thống siêu thị của Wincommerce

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện nay, một xu hướng mới là tổ chức các chuỗi cửa hàng nhỏ cung ứng đặc sản địa phương, thực phẩm an toàn như chuỗi Sói Biển (với 45 cửa hàng tại Hà Nội), chuỗi Bác Tôm, chuỗi Eco Food… cũng đóng góp vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.

Bà Lê Việt Nga nhận định, phát triển hệ thống phân phối hiện đại đang là xu thế để đem thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Và ngay cả các chợ truyền thống hiện nay cũng bắt đầu phải “chuyển mình”. Theo đó, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh mô hình xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Đến tháng 10, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và Bộ Công thương đã lồng ghép mô hình này trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hàng hóa tết dồi dào

Đề cập thị trường và nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết Giáp Thìn 2024, bà Lê Việt Nga nhận định, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp tết thường có xu hướng tăng 15%-30% so với bình thường trong các năm gần đây. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị phân phối lớn, con số vẫn tăng lên nhưng có thể sẽ thấp hơn so với mọi năm, khoảng 7%-15%.

Các đại biểu đến dự hội nghị sáng 15-11 tại Hà Nội

Các đại biểu đến dự hội nghị sáng 15-11 tại Hà Nội

Đại diện Wincommerce dự báo, cuối năm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, ngay từ đầu tháng 11, đơn vị này đã chuẩn bị nguồn hàng hóa tăng 20%-30% để cung ứng.

“Báo cáo từ hệ thống phân phối của chúng tôi cho thấy, nguồn cung lương thực, thực phẩm như rau, thịt, trái cây... luôn dồi dào, nên giá cả sẽ không có nhiều biến động”, đại diện Wincommerce khẳng định.

Dự báo nguồn cung và giá cả thị trường hàng hóa cuối năm vẫn dồi dào, ổn định. Ảnh theo Wincommerce

Dự báo nguồn cung và giá cả thị trường hàng hóa cuối năm vẫn dồi dào, ổn định. Ảnh theo Wincommerce

Còn theo đại diện Bộ NN-PTNT, do thời gian qua, giá heo trên cả nước xuống rất thấp, nên nông dân ở nhiều nơi ngại tái đàn, dẫn đến nguy cơ giá thịt heo có thể tăng nhẹ trong dịp Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT vẫn đảm bảo giải pháp cân đối để cung ứng đủ thịt và thực phẩm cho thị trường cuối năm.

Về việc một số mặt hàng thiết yếu có thể tiếp tục tăng giá, theo đại diện Bộ Công thương, hàng năm, khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, cơ quan này luôn có văn bản chỉ đạo vấn đề bình ổn giá. “Ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024”, bà Lê Việt Nga cho biết.

Đến nay, chương trình bình ổn thị trường đã được các thành phố lớn triển khai rất tốt, các doanh nghiệp tham gia thường có thị phần lớn, chiếm hơn 50% trên địa bàn. Do đó, theo đại diện Bộ Công thương, không lo thiếu hàng, sốt giá trong dịp tết.

Tin cùng chuyên mục