Phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn cần có giải pháp đồng bộ

Sáng 12-12, Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” với sự tham dự của lãnh đạo sở, ngành, địa phương và đại diện nhiều doanh nghiệp.

12-toa-dam-912.jpg
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: QUỐC HÙNG

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nêu ra hàng loạt khó khăn vướng mắc, kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách liên quan. Đồng thời, đây là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cùng bàn luận, phân tích về chiến lược phát triển kinh tế ven sông của TPHCM trong thời gian tới. Sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TPHCM đang sở hữu và cần có các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế dịch vụ, đồng bộ, liên thông của các ngành.

TPHCM có 101 tuyến giao thông thuỷ với 913km, kết nối sông Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp. TPHCM có 135 tài nguyên du lịch gắn với tuyến sông, kênh rạch. Để phát triển du lịch, Sở Du lịch TPHCM đã xây dựng ba nhóm sản phẩm du lịch chủ lực từ nay đến năm 2025. Cụ thể, nhóm thứ nhất là du lịch đường thủy, du lịch giải trí, hoạt động về đêm, du lịch sự kiện - lễ hội; nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm chính tham quan di tích, văn hóa, du lịch MICE, ẩm thực, mua sắm; nhóm ba là sản phẩm bổ trợ, sinh thái, y tế, cộng đồng…

12-toa-dam-1-5782.jpg
Các đại biểu thảo luận giải pháp phát triển ven sông Sài Gòn. Ảnh: QUỐC HÙNG

Về hạ tầng phục vụ hành khách, có 73/230 cảng, bến tàu phục vụ hoạt động du lịch như bến Bạch Đằng, cầu tàu số 1 phục vụ tàu về Bình Quới, Thanh Đa kết nối TP Thủ Đức, đi Bà Rịa Vũng Tàu bằng tuyến tàu cao tốc... Hiện Sở GTVT TPHCM đang quản lý 11 bến giao thông thuỷ nội địa và sẽ đưa vào khai thác thời gian tới.

Theo kế hoạch, Sở Du lịch TP sẽ đưa thêm ba tuyến du lịch mới vào là tuyến ngắn dưới 10km, Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, nước Campuchia... có năm doanh nghiệp đang khai thác. Đây được đánh giá 1 trong 10 tuyến giao thông đường thủy đặc sắc của thế giới.

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững.

Tin cùng chuyên mục