Hành trình gia nhập WTO

Phía trước: Vận hội và thách thức!

Khi nghe câu hỏi, Việt Nam được gì và mất gì khi gia nhập WTO, hầu hết những thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam đều có chung nhận định: “Tại sao chúng ta cứ nói được và mất, chẳng ai cho không ta cái gì và cũng chẳng ai lấy không được của ta cái gì cả. Tại sao chúng ta không nói vận hội của nền kinh tế Việt Nam là gì? Thách thức nào ta phải đối mặt để chúng ta chuẩn bị đón nhận một cách chủ động nhất?”.
Phía trước: Vận hội và thách thức!

Khi nghe câu hỏi, Việt Nam được gì và mất gì khi gia nhập WTO, hầu hết những thành viên trong đoàn đàm phán của Việt Nam đều có chung nhận định: “Tại sao chúng ta cứ nói được và mất, chẳng ai cho không ta cái gì và cũng chẳng ai lấy không được của ta cái gì cả. Tại sao chúng ta không nói vận hội của nền kinh tế Việt Nam là gì? Thách thức nào ta phải đối mặt để chúng ta chuẩn bị đón nhận một cách chủ động nhất?”.

Biển cả sẽ ùa vào Việt Nam

WTO là tổ chức quốc tế lớn thứ hai sau Liên hiệp quốc với 150 thành viên, chiếm 90% thương mại hàng hóa toàn cầu.

WTO là đại diện của sự phát triển tiến bộ, tự do hóa thương mại, khai thông dòng chảy hàng hóa, phân chia thị phần bằng con đường đàm phán, thay vì trước đây phân chia thị phần bằng các cuộc chiến tranh. Việt Nam vừa gia nhập WTO khi thị trường thế giới đã an bài, do đó đây chính là cơ hội nhưng cũng tiềm tàng nhiều thách thức.

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích có thể thấy ngay trước mắt qua ví dụ: Trước đây khi cầm một đồng, người tiêu dùng mua vài thứ nhưng sau khi gia nhập WTO sẽ mua được nhiều thứ hơn, tốt hơn.

Khi thị phần mở ra thì cơ hội cũng lớn lên, cứ xuất khẩu được một triệu đô la Mỹ hàng may mặc sẽ thêm một ngàn lao động có việc làm. Đó là một trong những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm: hội nhập là vận hội để tìm kiếm thời cơ.

Phía trước: Vận hội và thách thức! ảnh 1

Một buổi tọa đàm về những vấn đề đặt ra khi Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: C.T.V

Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh: “Nếu so sánh với chuyện gia nhập WTO như hai đội bóng trên sân thi đấu là hoàn toàn sai. Bởi vì, nếu biết đấu sẽ bị thua thì ai đấu làm gì?”.

Bài học rành rành trước mắt: 15 năm qua đất nước tiến lên chính là nhờ mở cửa, hội nhập! Trong suốt thời gian đó, đất nước ta đã từng bước hội nhập các nước trong khu vực như ASEAN, ký kết nhiều hiệp ước song phương, đa phương, từng bước mở cửa thị trường.

Nay gia nhập WTO là bước vào luật chơi chuẩn hơn, chứ không phải sân chơi tuyệt đối mới.

Cũng theo ông Thành, nếu so sánh lợi thế, ta có thế tĩnh và động: lợi thế tĩnh là ta có tài nguyên, lao động…; lợi thế động là qua việc cạnh tranh với nước ngoài mà chính phủ thay đổi cách hỗ trợ cho phù hợp với các định chế quốc tế…

Từ các lợi thế trên, các ngành sau đây sẽ có cơ hội phát triển như: dệt may, da giày, gỗ, du lịch; lĩnh vực đang được hưởng một phần sự bao cấp của nhà nước sẽ phải cải tổ mạnh như: sắt, xi măng, mía đường, các ngành chất xám cao như marketing, quảng cáo, viễn thông, bảo hiểm… sẽ không bằng các nước.

Quả thật, rất khó để bàn chuyện được mất khi xét trong bối cảnh chung của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều chuyện phải làm.

Ông Nguyễn Sơn, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế, kể lại: “Khi đàm phán chúng ta đưa ra tuyên bố: Việt Nam là nước đang phát triển nhưng trình độ thấp và họ chấp nhận như thế, cho dù thực tế trong suốt 10 năm qua đất nước ta có tốc độ phát triển nằm trong tốp đầu châu Á. Bên đối tác đàm phán, dự báo nước ta sẽ lớn mạnh trong 10-15 năm nữa cho nên đã đặt ra đầu bài Việt Nam sẽ bắt đầu theo thời gian đó”.

Nếu điểm lại những ngành mang lại kim ngạch cho đất nước về cơ bản vẫn là các loại công nghệ đơn giản như may mặc, giày da, một số sản phẩm nông nghiệp; riêng về sản phẩm thuộc loại công nghệ cao thì hầu như chưa đóng góp gì đáng kể. Do đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, chưa chắc đã tiến ra biển cả ngay mà có thể biển cả sẽ tràn vào Việt Nam.

Trả lời cho câu hỏi “Liệu Việt Nam sẽ lại trở thành một “xưởng gia công” cho các quốc gia phát triển không?”, ông Trần Quốc Khánh - Vụ trưởng Vụ đa biên Bộ Thương mại, Phó đoàn đàm phán của Việt Nam - nói: “Trung Quốc và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã từng được coi là “xưởng gia công”, thế mà nay họ đã tự xây dựng nhiều thương hiệu thuộc ngành công nghệ cao cho mình, thậm chí đang từng bước nuốt các tập đoàn lớn của Mỹ. Trong giai đoạn đầu tham gia vào chuỗi phân công lao động quốc tế, một nước đang phát triển như Việt Nam khó có thể làm khác hơn…”.

Thách thức không ít

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, chính những vận hội khi gia nhập WTO cũng là những thách thức của chúng ta, nó đòi hỏi các ngành và các doanh nghiệp phải tự nâng cao sức cạnh tranh, tự sửa đổi mình từ nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hệ thống tài chính... thì mới có cơ hội tồn tại và phát triển.

Một đại biểu quốc hội đã đưa ra so sánh, khi gia nhập WTO thì cơn bão cạnh tranh hàng hóa, công nghệ … đổ vào Việt Nam, khi đó chỉ những cây to, cây đại thụ mà cụ thể là các tổng công ty lớn, các công ty “đại gia” đứng đầu của các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất và cây nào vững chắc sẽ tồn tại và trở thành “phượng hòang” còn những cây yếu, rỗng ruột sẽ phải gục ngã.

Còn những cây vừa và nhỏ, những cây lúp xúp  là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – chiếm đại đa số - trước mắt sẽ bị ảnh hưởng ít nhưng nếu không chuẩn bị tốt về lâu về dài sẽ bị nuốt bởi các công ty lớn, các tập đoàn trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm này, ông Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định: Sau khi gia nhập WTO nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời “bầu sữa mẹ” là sự bao cấp của nhà nước và khi đó nếu không cải tổ mạnh sẽ có không ít doanh nghiệp trở thành phiên bản của “dâu tằm tơ” một thời.

Do quản lý yếu kém, đầu tư không hợp lý, từ mua sắm thiết bị ồ ạt mà phần lớn máy móc đã qua sử dụng, lạc hậu, Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI) với 34 đơn vị thành viên, trong đó có 3 đơn vị liên doanh nước ngoài, trụ sở đặt tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã phá sản.

Bằng cách phân tích có hệ thống, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ, chúng ta sẽ phải đương đầu với những thách thức nặng nề, chủ yếu do cạnh tranh tăng lên, những thách thức cụ thể ở thị trường bên ngoài mà chúng ta phải đối phó là: Phải tuân thủ “luật chơi chung” của WTO, đồng thời cũng phải chú trọng hệ thống luật ở các nước đối tác trong quan hệ làm ăn với họ để không vi phạm, tổn thất hoặc thua thiệt lợi ích. Những cơ hội thị trường ở 150 nước thành viên WTO cực kỳ to lớn, nhưng đó là những cơ hội dành cho mọi nước, nếu thiếu nhạy bén, kém năng lực cạnh tranh hoặc chậm chân thì khó mà giành được.

Tuy mục tiêu của WTO là hướng tới tự do hóa thương mại, nhưng trên thực tế, xu hướng bảo hộ lại không giảm, thậm chí còn tăng lên ở nhiều nước. Do các quy định của WTO yêu cầu các nước phải giảm thuế, bãi bỏ các hàng rào phi thuế, nên nhiều nước đã sử dụng các hàng rào kỹ thuật như công cụ quan trọng để bảo hộ cho các sản phẩm của mình trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Trình độ công nghệ ngày càng phát triển, yêu cầu bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường thiên nhiên tăng lên cũng tạo thêm khả năng và lý do cho sự áp đặt những hàng rào loại này, làm cho những hàng rào này ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, nhất là ở các nước có trình độ phát triển cao.

Từ những thách thức trên, ông Nguyễn Sơn cho rằng, khó khăn nhất của chúng ta là xây dựng phương án cải cách, chuyển đổi nền kinh tế khi mở cửa.

Về cải cách có 2 bước: Hoàn thiện pháp luật, luật hóa các cam kết, phải có đầy đủ pháp luật để thực thi cam kết; xây dựng bộ máy thực thi: minh bạch hoá chính sách (quy định phải có web công bố toàn bộ thông tin pháp quy), thông tin trong lĩnh vực kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn chất lượng…

Ngoài đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhà nước, thì các công chức nhà nước phải có năng lực, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ cao và phải cần nâng cao sự hiểu biết về hệ thống luật trong nước và ý thức tuân thủ pháp luật.

Câu nói của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã thể hiện khá đầy đủ những vận hội và thách thức của nên kinh tế Việt Nam khi bước vào ngưỡng cửa WTO: “Gia nhập WTO sẽ không có ai chết, không có doanh nghiệp nào chết cả, cũng nhà máy đấy, công nhân đấy, máy móc đấy nhưng chỉ những người lãnh đạo kém phải ra đi để một người giỏi, năng động thay thế vào sẽ làm thay đổi và bơm sức sống cho doanh nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập!”

CHIẾN DŨNG – LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục