Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn - NSƯT Anh Tú: Sân khấu cần sự đầu tư thỏa đáng hơn

Sau hơn một năm vắng bóng trên sân khấu TPHCM, tối 5-1, tại Nhà hát Thành phố, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tái ngộ khán giả qua vở Hamlet (tác giả William Shakespeare, đạo diễn NSƯT Anh Tú). Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn - NSƯT Anh Tú: Sân khấu cần sự đầu tư thỏa đáng hơn

Sau hơn một năm vắng bóng trên sân khấu TPHCM, tối 5-1, tại Nhà hát Thành phố, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tái ngộ khán giả qua vở Hamlet (tác giả William Shakespeare, đạo diễn NSƯT Anh Tú). Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

* Phóng viên: Khởi đầu năm mới 2016, vì sao anh lại quyết định đưa vở Hamlet vào TPHCM biểu diễn, liệu có quá mạo hiểm không khi hiện nay, khán giả ở TPHCM ngày càng ít xem kịch?

* Đạo diễn - NSƯT ANH TÚ: Chính vì sân khấu ngày càng khó khăn, khán giả ngày càng ít đi xem kịch nên những người làm sân khấu càng phải dấn thân. Nhất là với tính tôi thích tự tạo những áp lực cho riêng mình, cho cả những vở diễn của mình, để mình và các cộng sự luôn cố gắng ở mức cao nhất, nên tôi mới đưa vở Hamlet đến TPHCM trình diễn phục vụ khán giả thân thương. Tôi hy vọng rằng, nhà hát sẽ vượt qua mọi áp lực và cái khó chung của sân khấu, biểu diễn Hamlet một cách tốt nhất và qua đó khán giả vẫn thấy điều gì đó lấp lánh ở vở diễn này.

* Trong thời buổi khán giả thích xem hài nhiều hơn chính kịch, vì sao anh lại chọn Việt hóa và dàn dựng vở kịch kinh điển Hamlet của đại thi hào William Shakespeare?

* Tôi nghĩ, hiện nay hài kịch xuất hiện quá nhiều nên sân khấu cần phải có những vở như Hamlet. Thực ra, tôi không định Việt hóa Hamlet để dàn dựng mà chỉ suy nghĩ về vở diễn này và cố gắng dàn dựng kiệt tác Hamlet để khán giả Việt Nam hôm nay được xem một vở diễn hay.

Một cảnh trong vở Hamlet

* Khi dàn dựng vở kịch kinh điển này, anh có gặp khó khăn gì không?

* Tôi gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như kịch bản gốc của Shakespears rất dài nếu diễn hết phải mất 5 giờ, nên đành phải cắt bớt đi. Hơn nữa, đây là một vở kinh điển nổi tiếng nên mọi xử lý từ trang trí, phục trang, đến ánh sáng… và nhất là diễn xuất của các diễn viên phải được đầu tư luyện tập nghiêm túc và công phu.

* Qua vở diễn Hamlet, anh muốn chuyển đến khán giả thông điệp gì?

* Tôi muốn phần nào khán giả sẽ nhận ra được những góc tăm tối của con người, những ứng xử của con người với tội ác. Nói chung vẫn là những bài học dành cho con người. Dù câu chuyện kịch ở mãi tận trời Âu và cách chúng ta mấy trăm năm, thậm chí cả ngàn năm, nhưng theo tôi trong Hamlet vẫn còn những điều rất thời sự, có giá trị cao cho cuộc sống hôm nay.

* Từ khi anh kiêm thêm nghề đạo diễn, dường như anh toàn dàn dựng những vở diễn thuộc dạng khó. Phải chăng anh muốn chạm vào “cái khó để ló cái khôn”?

* Thật vậy! Tôi muốn trải nghiệm thật nhiều trong nghề đạo diễn, muốn mình không lặp lại mình nhưng vẫn trung thành với khuynh hướng đạo diễn mà tôi lựa chọn. Đó là khuynh hướng “hiện thực lãng mạn”. Từ trong mọi bon chen, đố kỵ, nghiệt ngã, khổ cực… của cuộc sống, con người ta vẫn phải cất cánh bay lên, dù rằng đôi khi “chỉ bay lên được trong ý nghĩ”, nhưng vẫn đáng quý!

* Sau Hamlet, anh có dự tính sẽ dàn dựng vở diễn mới nào trong năm 2016?

* Tôi sẽ dựng vở Kiều theo dạng nhạc kịch để Nhà hát Kịch Việt Nam tham dự liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội vào tháng 11-2016. 

* Theo anh, hiện nay đời sống sân khấu cả nước đang gặp khó là do đâu, chúng ta phải làm gì để vượt qua khó khăn này?

* Do cả khách quan và chủ quan, cả do mọi cơ chế, thời cuộc… Chính vì vậy, để vượt qua được khó khăn này không chỉ cần một sự nỗ lực lớn của những người làm nghề, mà còn phải có sự đầu tư chăm lo thỏa đáng hơn nữa của Đảng, của Nhà nước cho sân khấu Việt Nam nói chung.

VÂN AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục