Tuân thủ nghiêm các quy định sử dụng điện
Theo Thượng tá Huỳnh Ngọc Quan, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM, đã có nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian gần đây mà nguyên nhân bắt đầu từ những cơn mưa lớn kèm theo sấm chớp, gió giật mạnh. Theo quy định, những ngôi nhà cao tầng bắt buộc phải lắp thiết bị chống sét, nhưng trên thực tế nhiều công trình khi xây dựng bỏ qua hạng mục này, nên khi mưa lớn kèm theo sấm chớp tạo thành tia lửa gây cháy.
Ngoài ra, do thiếu hiểu biết cũng như không được tư vấn khi thiết kế nhà, người thiết kế chỉ lưu ý đến phần tiếp đất, chống sét bằng thu lôi chứ không lưu ý đến hệ thống nối đất an toàn cho các thiết bị điện sử dụng trong nhà. Do vậy, khi xảy ra rò điện, khả năng người sử dụng bị điện giật rất cao.
Bên cạnh đó, sự quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống điện vẫn chưa đúng mức. Đồ điện gia dụng như bàn ủi, bếp điện, lò nướng điện, ấm điện và nồi cơm điện có nguyên lý hoạt động chung là đều sử dụng dây đốt trong để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp, nên nếu nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, lắp ráp không đúng kỹ thuật thì nguy cơ rò rỉ điện, gây cháy nổ rất cao.
Điển hình là trong cơn mưa vào 13 giờ ngày 12-4-2021 kèm theo gió giật, sấm sét đã đánh vào cột thu lôi trên chóp mái của khách sạn Đồng Khánh (số 2 Trần Hưng Đạo B, phường 7, quận 5) gây cháy dữ dội. Thời điểm xảy ra cháy, người dân cho biết đã nghe tiếng nổ lớn kèm theo tia lửa, ngay lập tức phần mái bốc cháy dữ dội. Vụ hỏa hoạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hư hỏng nặng phần mái tầng 5 của khách sạn.
Hay vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh bếp điện từ Phú Gia, đường Lũy Bán Bích lúc 2 giờ 52 phút ngày 11-6-2016, nguyên nhân gây cháy là do chập điện ở ổ cắm điện tủ lạnh để tại tầng trệt khiến lửa bùng lên, gặp các vật liệu dễ cháy gây cháy lan. Thời điểm xảy ra sự cố mọi người đang ngủ say, nên khi lửa bao trùm toàn bộ ngôi nhà, 4 người không thể thoát ra ngoài dẫn đến tử vong.
Thống kê từ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, 80% nguyên nhân của các vụ cháy nổ, đặc biệt trong mùa mưa bão đều xuất phát từ hệ thống điện do chạm chập, hay các hiện tượng ngắn mạch, đoản mạch… Thế nhưng, việc lắp đặt lại thiếu sự đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành đã khiến cho tình trạng cháy nổ đường dây dẫn điện và thiết bị điện ngày một gia tăng.
Trên thực tế, chúng ta dễ dàng bắt gặp những công tơ điện treo lủng lẳng; dây điện bó chằng chịt; dây điện, dây cáp truyền hình “bao bọc” cột đèn; câu mắc điện không đảm bảo an toàn và dây điện chạy sát mép tường, xà trên nóc nhà, cọ xát lên phần kim loại… khiến nguy cơ cháy nổ có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, chỉ trong tháng 4-2021, cả nước xảy ra 502 vụ cháy và sự cố, trong đó nguyên nhân do điện chiếm 341 vụ. Đó thật sự là lời cảnh cáo về nguy cơ cháy nổ khi mà dây cáp viễn thông, cáp điện sinh hoạt, cáp truyền hình được mắc chằng chịt và tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn còn phổ biến.
Cách xử lý khi có cháy trong mùa mưa
Theo PC07, cách xử lý khi có cháy xảy ra trong mùa mưa cũng tương tự như với mùa khô. Khi có trường hợp chạm chập điện gây cháy, cần thiết nhất là phải ngắt ngay cầu dao hệ thống điện tại chỗ, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà, khỏi cơ quan, xí nghiệp. Phải tập trung cứu người trong đám cháy (nếu có), sau đó sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Song song với việc chữa cháy cần phải gọi nhanh cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hỗ trợ bằng số điện thoại 114. Điều lưu ý là phải hết sức thận trọng, không nên dùng nước để chữa cháy khi thấy hiện tượng chập điện gây cháy.
Khuyến cáo từ PC07 cho thấy, đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, công trình có lắp đặt hệ thống thu lôi, chống sét: phải đo điện trở nối đất đúng theo thông số kỹ thuật cho phép để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa mưa bão, đề phòng khi có dông tố, sấm sét xảy ra.
Đối với các khu dân cư, hộ gia đình: chủ yếu là từng người dân phải nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn. Gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã. Kiểm tra dây dẫn điện trong nhà và dây dẫn điện từ ngoài vào nhà, tránh gió lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy.
Không để dây dẫn điện chạm vào bàn ủi, chạm vào block máy lạnh, không để dây dẫn điện gần lò nấu, bếp gas. Các thiết bị dụng cụ điện phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện không để gần chất dễ cháy để tránh phát hỏa khi tiếp xúc.
Các ổ cắm điện cần lắp đặt ổ 3 chấu, có chấu thứ 3 nối đất để an toàn khi thiết bị bị rò điện. Khi sửa chữa điện trong nhà phải ngắt cầu dao điện, thông báo cho mọi người cùng biết để không đóng điện bất ngờ. Khi sử dụng các thiết bị điện cầm tay phải mang găng tay cách điện để tránh giật nếu rò điện. Để tránh chập điện, người dân mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện hoặc tốt nhất là ngắt cầu dao tổng…
Cuối cùng, ý thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Để người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về PCCC trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, ngoài công tác kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm của các lực lượng chức năng, về phía chính quyền địa phương cần có giải pháp tuyên truyền hiệu quả thiết thực, sinh động để người dân, chủ cơ sở, người lao động nắm rõ kiến thức về PCCC và phòng ngừa cháy nổ có hiệu quả.