
Sáng 13-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu tập trung thảo luận về tên gọi của Luật Phòng chống tham nhũng, phạm vi điều chỉnh, tính khả thi của Luật PCTN.

Phiên họp quốc hội sáng 13 - 6, các đại biểu thảo luận về Luật chống tham nhũng
Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu QH Điểu Kré (tỉnh Đắc Nông) đồng tình với việc xây dựng Luật PCTN và tên gọi của Luật. Đại biểu cho rằng đối tượng điều chỉnh của luật là những người có chức vụ quyền hạn vi phạm trong quá trình thi hành công vụ.
Do vậy, cần chú trọng đến hành vi được coi là tham nhũng. Các hoạt động thanh tra các hành vi tham nhũng phải tuân thủ các qui định của pháp luật, không được lợi dụng nhiệm vụ gây khó khăn cho công tác điều tra, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Đề cập đến nội dung Luật PCTN, đại biểu Mã Điền Cư (tỉnh Bình Thuận) bức xúc, tuy nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng, nhưng các vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng xảy ra vẫn rất nghiêm trọng.
Luật PCTN cần hướng đến phạm vi điều chỉnh rộng hơn đối với đối tượng vi phạm, không chỉ là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, có chức, có quyền, mà phải đưa cả những người của các tổ chức, đơn vị ngoài xã hội vào phạm vi điều chỉnh, vì họ có những họat động liên doanh, liên kết với các cán bộ, công chức cơ quan nhà nước làm ăn kinh tế. Việc đưa đối tượng ngoài xã hội vào phạm vi điều chỉnh sẽ nâng cao hiệu quả của Luật PCTN.
Bên cạnh đó, Luật PCTN cũng cần huy động toàn bộ các tổ chức chính trị, xã hội vào công tác PCTN và trong việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, cần xây dựng thành phần có đủ quyền lực thực hiện nhiệm vụ một cách toàn diện. Công tác PCTN phải minh bạch, công khai, nhất là trong các lĩnh vực như tài chính, đấu thầu…

ĐB QH Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng)
Về kê khai tài sản, đề nghị Luật PCTN cần phải đưa người thân của những đối tượng có hành vi tham nhũng vào diện phải kê khai tài sản để phát hiện hành vi tham nhũng, vì chủ yếu những người có hành vi tham nhũng thường tẩu tán tài sản cho người thân. Tất cả những người thân có tên trong hộ khẩu đều phải kê khai tài sản.
Về quà biếu, tình trạng quà biếu mang tính hối lộ là hiện tượng phổ biến trong xã hội, cán bộ công chức có chức có quyền thường nhận hối lộ dưới dạng qùa biếu, do vậy phải nghiêm cấm việc nhận qùa biếu của các cá nhân, tổ chức xã hội có liên quan đến công tác của cán bộ, công chức.
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, do vậy cần nêu cao vai trò của Mặt trận TQVN, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là dựa vào nhân dân để phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Kim Khanh (tỉnh Bình Phước) cho rằng các đối tượng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức ngoài xã hội đều có khả năng tham nhũng. Các thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, trắng trợn làm xói mòn lòng tin của nhân dân, đe dọa trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, rất nhất trí với việc ban hành Luật PCTN. Tuy vậy, dự thảo cũng cần cân nhắc một số vấn đề, điều luật mâu thuẫn với hiến pháp và trái với các bộ luật khác. Phạm vi điều chỉnh đối tượng lại khá rộng, chưa nên đưa cá nhân và tổ chức ngoài xã hội vào phạm vi điều chỉnh.

ĐB QH sôi nổi thảo luận
Đại biểu Hoàng Văn Minh (tỉnh Nghệ An) cho rằng nhiệm vụ quan trọng của Bộ Luật PCTN là tích cực phát hiện các hành vi tham nhũng của tố chức cá nhân vi phạm pháp luật.
Do tính chất, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, do đó luật PCTN phải thể hiện một cách cụ thể rõ ràng và chi tiết theo hướng: luật là để điều chỉnh hành vi của những người có chức, có quyền.
Phải có Chương riêng quy định quyền hạn và trách nhiệm của QH, chính phủ đối với công tác chống tham nhũng. Khi luật có hiệu lực, hàng năm các bộ, ngành, đơn vị có tham nhũng phải có báo cáo cụ thể cho QH.
ĐB Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) tán thành các nội dung của dự thảo luật, đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề: sự cần thiết luật hóa việc phòng chống tham nhũng, trách nhiệm của các thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị, công khai kê khai tài sản, mức thu nhập. Mời click vào để nghe audio
Mở đầu phần tham luận buổi chiều, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Bà Rịa- Vũng Tàu) tán thành cao các nội dung trong dự án Luật Phòng chống tham nhũng đặc biệt là các vấn đề: thành lập cơ quan chống tham nhũng, kê khai tài sản, cương quyết và nghiêm khắc xử lý các các nhân, tổ chức đơn vị tham nhũng. ĐB Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: nhân dân chính là những người giám sát hiệu quả nhất. Mời click vào để nghe audio
ĐB Đinh Hoài Bắc (Quảng Ngãi) cho rằng, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước đối với những lãnh đạo không xử lý những cán bộ dưới quyền vi phạm. tán thành mở rộng đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của luật. Mời click vào để nghe audio
ĐB Chu Quang Hòa (Hà Giang) cảnh báo nguy cơ tham nhũng đang hoành hoành, phá hoạt đất nước. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, nhưng thực tế kết quả đạt được không bao nhiêu, khiến nhiều người cho rằng, càng chống, tham những càng phát triển?
ĐB này đồng tình ý kiến, muốn chống tham những có hiệu quả, cần triển khai ngay nhiều biện pháp đồng bộ, huy động sức mạnh toàn dân, toàn ngành cùng tham gia, và công tác này vào Luật. Và nhất là trong công tác này cần phải có tâm.
ĐB Phạm Thế Duyệt (Hải Dương) nêu những bức xúc hiện nay, đó là trách nhiệm để xảy ra tham những là do cấp ủy các cấp chưa làm tốt công tác lãnh đạo của mình. Trong khi đó, các cơ quan dân cử lại có biểu hiện quan liêu, xa rời dân. ĐB Phạm Thế Duyệt đề nghị thành lập cơ quan giám sát Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng, các Bộ trưởng...
Ông Duyệt còn đề nghị nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm đối với các thành viên của QH và coi đây là việc bình thường, có tác dụng giáo dục nhắc nhở thường xuyên trách nhiện cá nhân từng thành viên. Bên cạnh đó, minh bạch, rõ ràng trong chi thu tài chính của từng đơn vị, cơ sở. Cuối cùng theo tôi, nên xử nặng hơn tội hối lộ và nhận hối lộ. Mời click vào để nghe audio
ĐB Trần Luân Kim (Phú Yên) đồng ý tên của Dự thảo Luật là Phòng, chống tham nhũng. Bởi tên gọi đó đã thể hiện đầy đủ.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Lịch (Đắc Lắc) các điều khoản từ 81 đến 85 (chương 5) nếu đựơc thực hiện nghiêm túc, thì việc phòng chống tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả khả thi. Ông Lịch cũng đồng ý với việc thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Còn việc kê khai tài sản, theo ông Lịch cần phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

ĐB Nguyễn Lân Dũng
ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình) đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng, ban hành Luật phòng chống tham những. Về phạm vị điều chỉnh của Luật, theo ông Tôn, cần mở rộng ra cả những cá nhân, đơn vị ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, cần tập trung giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm những tiêu cực xảy ra trong cơ quan nhà nước. Ông Tôn cũng đề nghị sửa lại cho rõ ràng hơn một số điều trong Dự thảo luật. Mời click vào để nghe audio
ĐB Nguyễn Thị Thúy My (Quảng Trị) cho rằng, Dự án này liên quan đến nhiều cơ quan, đến nhiều cá nhân, vì thế cần phải chặt chẽ, rõ ràng và rất cụ thể, đặc biệt trong phòng chống tham nhũng cần phải coi công tác đầu tiên là công tác cán bộ. Tuy nhiên, ĐB này lại không đồng tình Dự thảo về việc thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống tham những. Theo ĐB My, tội phạm tham những rất đặc biệt, xảy ra phần lớn ngay từ các cơ quan đặc quyền, các cá nhân có chức, có quyền.
ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) bày tỏ việc Luật còn mang tính dàn trải, chưa tập trung. Theo ông Trân cần tập trung quản lý tốt, sử dụng minh bạch các nguồn vốn nước ngoài cũng là một trong những biện pháp thiết thực phòng chống hiệu quả tệ nạn tham nhũng. Mời click vào để nghe audio
Kết thúc ngày thảo luận Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, đã có 36 ý kiến của các ĐBQH góp ý cho Dự thảo Luật.
Các ý kiến đóng góp của ĐBQH đều gọn, rõ, không khí tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến hay, lý lẽ khá thuyết phục. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tập hợp các ý kiến đóng góp này, nghiên cứu, xử lý bước bản Dự thảo này.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được UBTVQH tiếp tục đưa ra thảo luận tại hội nghị chuyên trách của QH và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Đây là Dư án Luật quan trọng nhưng khó, bởi làm thế nào để các quy định của Dự thảo đạt tính khả thi cao; phù hợp tổng thể các văn bản luật khác đã được ban hành. Vì thế, UBTVQH đề nghị các ĐBQH góp sức cùng nâng cấp Dự thảo này ngày càng hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.
Sáng mai 14-6, kỳ họp thứ 7 QH khóa XI sẽ họp phiên bế mạc.
SGGP Online