Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Công chứng

Phòng công chứng sẽ không còn chứng thực

Ngày 22-8, Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Công chứng. Vấn đề mới trong dự luật này là các phòng công chứng sẽ không làm nhiệm vụ chứng thực. Bên cạnh đó, sẽ cho thành lập các phòng công chứng tư nhân. Nhiều đại biểu lo ngại, như vậy các phòng công chứng công có nguy cơ… thất nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay 97% công việc ở các phòng công chứng là chứng thực bản sao giấy tờ, còn lại chỉ 3% là công chứng hợp đồng, giao dịch. Đã từng chứng kiến cảnh lộn xộn, quá tải ở các phòng công chứng, đại biểu Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) cho biết: “Quá tải ở phòng công chứng hiện nay chủ yếu do chứng thực, nhất là vào những đợt cao điểm như tuyển sinh, chuẩn bị đi học, đi lao động nước ngoài”. Vì thế, một số đại biểu đề nghị tiếp tục giữ nhiệm vụ chứng thực cho các phòng công chứng như hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phân tích: Mục tiêu của Luật Công chứng là “xây dựng nghề công chứng cho ra nghề”, bảo đảm các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh doanh được an toàn, lành mạnh. Vì thế, cần phân biệt đối tượng của công chứng là các hợp đồng, giao dịch thuộc lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại... Còn chứng thực là hoạt động mang tính chất hành chính do cơ quan nhà nước thực hiện như chứng nhận bản sao, chữ ký, trích lục bản đồ địa chính. Việc chứng thực bản sao, bản dịch, chữ ký chủ yếu sẽ do UBND cấp huyện, xã làm.

Về tình trạng quá tải ở phòng công chứng, ông Thuận cho rằng: “Ở đây không phải lỗi của dân, của công chứng mà do cơ quan nhà nước tự đặt ra yêu cầu hồ sơ, tuyển sinh... phải có công chứng, chứng thực”. Vì thế, cần nhất quán quan điểm cho thành lập phòng công chứng tư nhân và đổi mới hoạt động công chứng.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục