

Thưa anh, anh có gặp khó khăn gì khi viết về đề tài lạ lẫm này không?
– Có chứ. Nước ta xưa nay không có truyền thống về loại truyện phù thủy.
– Tôi nhớ là trong truyện cổ tích...
– Phù thủy hay ông Bụt trong truyện cổ tích của ta chỉ có tính chất biểu tượng. Ta không biết ông Bụt hằng ngày ăn gì, mụ phù thủy cuộc sống vui buồn sướng khổ ra sao. Trong khi phù thủy ở phương Tây là một thế giới sinh động, đa tính cách.
– Nghĩa là...
– Trong truyện cổ tích của ta, ông Bụt tượng trưng cho cái Tốt, vì vậy luôn luôn tốt, phù thủy tượng trưng cho cái Xấu, vì vậy luôn luôn xấu. Còn trong truyện phương Tây, thần linh cũng mang đủ nết hay tật xấu như con người.
– Vậy làm sao anh có tư liệu...
– Tôi phải đọc, đọc rất nhiều. Tôi lục lọi trong thư viện. Tôi đọc trong sách, đọc cả trên internet. Đọc truyện, đọc cả sách phê bình và nghiên cứu về đề tài này. Tôi phải bỏ ra cả năm trời để tập hợp rồi phải bỏ thêm một năm trời nữa để nghiền ngẫm.
– Ôi, vất vả quá. Có lẽ là một nhà văn tâm huyết với trẻ thơ, anh muốn đem đến cho các em món ăn tinh thần hấp dẫn...
– Không phải.
– Hay anh viết truyện phù thủy để cạnh tranh với Harry Potter?
– Không đúng.
– Vậy chắc là anh muốn chứng tỏ khả năng hư cấu của nhà văn Việt Nam không kém gì nhà văn nước ngoài?
– Cũng không phải nốt.
– Ủa, chứ vì lý do gì mà anh chuyển sang viết loại truyện hóc búa này?
– Thực ra tôi viết để thỏa mãn mơ ước của chính mình.
– Mơ ước à? Mơ ước gì cơ?
– Này, cậu có biết các nhân vật trong truyện phù thủy thường cưỡi chổi bay và thảm bay không nhỉ?
– Ờ, cái này thì tôi biết.
– Thì mơ ước của tôi đấy!
– Anh mơ ước sẽ được cưỡi chổi bay hoặc thảm bay?
– Chứ chẳng lẽ cậu không mơ ước như vậy sao? Đường sá bây giờ kẹt xe thấy gớm, hệ thống giao thông lạc hậu như thế này, chạy ngúng ngoắng dưới đất như tôi với cậu chừng nào mới đi tới nơi về tới chốn được!
– !!!
Sóc Phương Đông