Cảnh báo gian lận xuất xứ
Theo ghi nhận của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến hết quý 1-2020 đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh PVTM, Bộ Công thương thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM. Hiện danh sách được cập nhật đến tháng 4-2020 với 12 mặt hàng có nguy cơ cao để các cơ quan quản lý có thể dựa vào đó tiến hành xử lý vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. 12 mặt hàng này gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình gas và ghim đóng thùng chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU.
Bộ Công thương cũng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng. Thận trọng trong việc tăng công suất, đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu khi chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất.
Nâng cao năng lực
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét, phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tính cả EVFTA, Việt Nam đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trong đó có các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học - công nghệ. Mức độ cắt giảm thuế quan đã bao trùm đến 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và là động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều nước suy giảm kinh tế và xuất nhập khẩu do dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì được tình trạng xuất siêu và xuất nhập khẩu có tín hiệu hồi phục tốt. Tuy vậy, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam cần có những hành động quyết liệt để hỗ trợ xuất khẩu bền vững, đồng thời giám sát nhập khẩu, tránh gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Để tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực PVTM, ngày 19-5-2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước.
Quyết định trên tập trung vào 4 nhóm hoạt động, gồm: Đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu trong lĩnh vực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là với hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp thông tin về các biện pháp PVTM hiện nay cho các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước; hoàn thiện thể chế về PVTM theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới; tăng cường công tác thực thi các quy định về PVTM.
Các hoạt động triển khai Quyết định 1347/QĐ-BCT đang được khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2020 nhằm đảm bảo các ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm vững các công cụ về PVTM, có thể bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và nâng cao hiệu quả của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Giả mạo xuất xứ Việt Nam, bị phạt tới 100 triệu đồng Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 45/2016/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1-8-2016 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan), Bộ Tài chính cho biết đã bộc lộ một số hạn chế như thiếu chế tài xử phạt vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu; về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam; về nhập khẩu hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia... Do vậy, Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định bổ sung quy định xử phạt trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, thay thế Nghị định 45/2016/NĐ-CP hiện hành. Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 30 triệu đồng. Phạt 20-30 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Phạt 30-50 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng. Phạt 50-70 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và từ 70-100 triệu đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên. Kèm theo là tịch thu tang vật vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc tiêu hủy tang vật vi phạm thuộc loại gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại… |