
Ngày 25-10 tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang và báo SGGP phối hợp tổ chức “Hội thảo về hòn Phụ Tử-một thắng cảnh quốc gia của Kiên Giang”. 125 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc, di sản, địa chất… cả nước đã tham dự.

Sự kiện hòn Phụ (cha) của hòn Phụ Tử bị đổ gãy đã gây được sự chú ý của nhân dân cả nước. Các tham luận đọc tại hội thảo đều là những công trình nghiên cứu khoa học căn cơ, vạch ra những đề xuất và kết luận rất xây dựng.
Nhiều ý kiến nhất trí phục dựng lại hòn Phụ, trả lại cảnh quan cho Khu du lịch Chùa Hang - nơi có những giá trị quý về văn hóa - lịch sử - sinh thái của Kiên Giang.
Có thể nói đây là một cuộc hội thảo khoa học được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tập hợp được ý kiến của hầu hết các nhà khoa học có uy tín của cả nước xoay quanh việc phục dựng hòn Phụ Tử nói riêng và về hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói chung.
Tại cuộc hội thảo, ban tổ chức đã công bố phiếu thăm dò dư luận. Kết quả, 50% cán bộ lão thành, hưu trí đồng ý phục chế hòn Phụ, 50% cho rằng nên để nguyên hiện trạng; 41% ý kiến của các nhà lãnh đạo cho rằng nên phục dựng, 23%: phục chế và 36%: giữ nguyên; 80% doanh nhân: phục dựng và 20%: phục chế; 40% nhà khoa học: phục dựng, 13%: phục chế, 47%: giữ nguyên. Đối với hòn Tử, 100% cho rằng nên gia cố, bảo tồn, 8%: không nên; 100% doanh nhân đồng ý bảo tồn, gia cố; 93% nhà khoa học đồng ý gia cố, bảo tồn, 7% không đồng ý. Các đối tượng khác: 90% đồng ý, 10% không đồng ý.
Phục dựng và gia cố hòn Phụ Tử là một việc làm hợp lý hợp tình, vấn đề là làm như thế nào cho có hiệu quả là cần thiết. Trước đó, ngày 24-10, các đại biểu dự hội thảo đã đến tham quan Khu du lịch Chùa Hang và hiện trường hòn Phụ Tử.
VŨ ÂN - HOÀNG YẾN

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương (phải) trả lời báo chí về quan điểm phục dựng hòn Phụ Tử. Ảnh: THÁI BẰNG
Thông tin liên quan |
Báo SGGP và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo "Về việc phục dựng hòn Phụ Tử" |