
“Vẫn là một Hàn Quốc dù trải bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người dân Hàn Quốc thông minh, cần cù, có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mạnh mẽ”. Đó là cảm tưởng về đất nước Hàn Quốc của Chủ tịch UBND TPHCM LÊ THANH HẢI khi trả lời phỏng vấn Báo SGGP nhân kết thúc chuyến đi thăm và làm việc tại TP Busan (Hàn Quốc) từ ngày 2 đến 5-11.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải xem Triển lãm ảnh về TPHCM tại Công viên Hồ Chí Minh thuộc TP Busan (Hàn Quốc) ngày 2-11-2005.
- PV: Thưa Chủ tịch, trở lại thăm đất nước Hàn Quốc nhân “Ngày TPHCM” ở TP Busan, đồng chí cảm nhận được điều gì trong chuyến đi này ?
- Chủ tịch UBND TPHCM LÊ THANH HẢI: Điều ấn tượng và cảm động nhất với tôi là được tham dự khai mạc Triển lãm thư pháp “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Đại học Younggsan Busan.
Nghe bà Part Young Suk đã ngoài 80 tuổi và là Chủ tịch HĐQT Học viện Sungsim kể về tình cảm của mình và dân tộc mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, rồi được xem các em sinh viên Hàn Quốc mặc áo dài Việt Nam hát vang câu hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…” mà thấy ấm lòng, chân tình biết bao!
Sắp tới, chúng tôi dự định tổ chức Triển lãm thư pháp tác phẩm “Nhật ký trong tù” tại Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi cách đây 94 năm, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tôi rất ấn tượng công viên mới xây mang tên Hồ Chí Minh, vì công viên được đặt ở vị thế rất đẹp, cạnh khu chung cư cao tầng, gần bờ sông thơ mộng và phía xa là dãy núi ẩn mình trong làn mây trắng. Lúc trồng cây lưu niệm ở công viên, xem sinh viên Hàn trong bộ áo dài Việt Nam thướt tha múa nón theo nhịp bài hát truyền thống “Ôi thương quá trái tim Việt Nam”…
Ở xứ người, được tận mắt thấy bè bạn ca ngợi Hồ Chủ tịch và đất nước, con người Việt Nam, điều đó làm chúng tôi vô cùng cảm động. Bác Hồ của chúng ta vĩ đại quá! Dân tộc Việt Nam anh hùng quá! Dù Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn sống mãi trong trái tim nhân dân và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.
- Trong lễ khai mạc “Ngày TPHCM” ở Busan, đồng chí và Thị trưởng TP Busan Hur Nam Sik đã có cuộc trao đổi thẳng thắn sau 1 năm hợp tác đầu tư giữa 2 TP. Đồng chí có thể nói cụ thể hơn cuộc trao đổi này?
- Chúng tôi đều nhận định, 2 thành phố có mối quan hệ rất đặc biệt, đó là việc tổ chức luân phiên hàng năm “Ngày Busan” tại TPHCM và “Ngày TPHCM” tại Busan. Hơn 10 năm qua, quan hệ ngày càng thắt chặt, tạo cho môi trường đầu tư thuận lợi tốt hơn và hai bên đều khẳng định cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Trong thời gian ở Busan, tại các cuộc hội thảo, doanh nghiệp hai bên sốt sắng tới tìm hiểu, trao đổi với nhau và đã ký kết được nhiều hợp đồng quan trọng. Tiếp xúc với họ, tôi thấy TPHCM cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn nữa.
- Cụ thể là sắp tới, doanh nghiệp Busan và Hàn Quốc đầu tư vào TPHCM thì chính quyền TPHCM có chính sách ưu đãi gì và định hướng tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nào ở TPHCM?
- TPHCM khuyến khích các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc và Busan đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vì đây cũng là thế mạnh của họ. TP có chính sách ưu tiên như: giao cho họ những mặt bằng đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông…) và đặc biệt là họ sẽ được hưởng giá thuê đất bằng 0. Nếu phía bạn đầu tư vào những ngành TP ưu tiên thì sẽ được hưởng chính sách ưu đãi hơn nữa, nếu vượt thẩm quyền thì TP sẽ xin ý kiến Trung ương. Lĩnh vực thứ 2 cần thu hút đầu tư là cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.
Cụ thể là ở lĩnh vực này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép chủ trương để tập đoàn GS Engineering & Construction - một trong những công ty hàng đầu của Hàn Quốc - xây dựng dự án đường giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất đến cầu Bình Lợi theo phương châm “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Làm việc với Đoàn đại biểu TPHCM, tập đoàn GS cho biết sẽ đẩy nhanh thực hiện dự án này.
- Theo nhận định chung thì 2 bên hợp tác phát triển rất nhanh chóng, toàn diện và bền vững. Theo đồng chí là vì sao?
- Đó là vì 2 bên có nhiều điểm tương đồng. Quan hệ giữa 2 TP phát triển dựa trên một nền tảng văn hóa vững chắc và sự phát triển lâu dài của lịch sử, chứ không phải vì những lợi ích trước mắt mang tính nhất thời. TPHCM có lợi thế về giá nhân công, người lao động cần cù và thông minh, còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, thị trường rộng lớn, nằm ở vị trí thuận tiện thông thương quốc tế, kinh tế tăng trưởng tương đối cao và đặc biệt là sự ổn định chính trị ở nước ta. Chuyến thăm này góp phần nâng quan hệ 2 TP lên tầm cao mới và là dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam và TPHCM, thúc đẩy xúc tiến đầu tư và du lịch, đồng thời đoàn TPHCM hiểu thêm những nét tiêu biểu của nền văn hóa mang bản sắc dân tộc rõ ràng.
- Đồng chí vừa nói tới văn hóa Hàn Quốc, đồng chí có cho rằng, phía sau làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang diễn ra sôi động ở Việt Nam mà nổi bật là số lượng lớn các phim ảnh được trình chiếu thì hàng hóa theo đó tràn vào thị trường Việt Nam, nhất là ở TPHCM. Phải chăng, đó là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa văn hóa và kinh tế?
- Đúng như thế! Việc Hàn Quốc dùng phim ảnh không chỉ truyền bá văn hóa mà còn là một hình thức quảng bá thương hiệu sản phẩm hiệu quả mà nhẹ nhàng, hấp dẫn. Sắp tới, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm và hợp tác với TP Busan trong lĩnh vực phim ảnh - một trong những thế mạnh của TP Busan. Tuy nhiên, nếu hợp tác ở tầm quốc gia thì tốt hơn nhiều.
TUẤN SƠN