Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển - Bài 1: Điểm sáng đối ngoại nhân dân

LTS: Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước là điểm sáng. Trong chặng đường hơn 7 thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Một tiết mục giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và Trung Quốc
Một tiết mục giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Thời gian qua, bên cạnh công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước thì công tác đối ngoại nhân dân cũng là một điểm sáng trong quan hệ Việt - Trung.

Những dấu mốc quan trọng

Ngay sau khi được thành lập vào ngày 1-10-1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 5-1-1950. Đó là sự kiện khởi đầu cho mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc “vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại” (trích Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc vào ngày 1-11-2022).

Cùng với sự phát triển tốt quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, quan hệ giữa các tổ chức quần chúng và tổ chức hữu nghị hòa bình hai nước đã được thiết lập và phát triển. Chỉ hơn 1 tháng sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 15-2-1950, Hội Hữu nghị Việt - Trung đã được thành lập. Ngày 19-11-1950, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam cũng được thành lập, kết nối quan hệ với các tổ chức hữu nghị và hòa bình của Trung Quốc, góp phần tích cực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giao lưu song phương và cả trên các diễn đàn nhân dân đa phương. Tháng 10-1952, trong điều kiện Việt Nam đang kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn đại biểu nhân dân của Việt Nam gồm 11 người đã sang thăm Trung Quốc và dự Hội nghị hòa bình châu Á tại Bắc Kinh. Theo gợi ý chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn do Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Lê Đình Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung Bộ dẫn đầu với các thành viên “công - nông - binh - trí” cùng tham gia đoàn (trong đó có: Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm; các Anh hùng quân đội gồm: Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên; GS toán học Lê Văn Thiêm…).

Từ những năm đầu 1990, cùng với sự phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Quốc hội, mặt trận, các quan hệ kinh tế thương mại, hữu nghị hòa bình giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển sâu rộng toàn diện, thể hiện qua các cuộc thăm chính thức, giao lưu hữu nghị hàng năm của nhân dân các tỉnh biên giới… Hàng ngàn học sinh Việt Nam đã, đang theo học tại các trường của Trung Quốc và rất nhiều học sinh Trung Quốc đã và đang học tập tại Việt Nam.

Hiện nay, tại Hà Nội có một địa điểm mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị Việt - Trung là Cung hữu nghị Việt - Trung được xây dựng thông qua Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam với số vốn đầu tư 800 tỷ đồng từ viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được triển khai từ năm 2004, do Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự lễ khởi công xây dựng. Sau 13 năm, vào năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã cắt băng khánh thành để cung hữu nghị đi vào hoạt động.

Một trong những sự kiện nổi bật trong quan hệ đối ngoại nhân dân hai nước những năm gần đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30-10-2022 đến ngày 2-11-2022). Trong khuôn khổ chuyến thăm, 2 bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022-2027 giữa Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc với những nội dung quan trọng.

Giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau

Những năm qua, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt - Trung đã tổ chức nhiều hoạt động rất phong phú, góp phần tăng cường hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thực hiện thắng lợi thỏa thuận giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước.

Đầu tiên phải kể đến Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và phối hợp với các đối tác Trung Quốc tổ chức thành công 11 diễn đàn nhân dân Việt - Trung luân phiên hàng năm tại Việt Nam và Trung Quốc. Với các chủ đề “Tăng cường tin cậy lẫn nhau cùng có lợi, cùng thắng”, “Tin cậy chính trị, hợp tác thực chất”, “Giữ gìn hữu nghị truyền thống, thúc đẩy hợp tác thực chất” và “Củng cố nền tảng lòng dân, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống nhân dân Việt - Trung”, các diễn đàn đã trở thành một trong những cơ chế hợp tác quan trọng để nhân dân hai nước trao đổi thực chất, xây dựng về tình hình quan hệ, các biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định, hiệu quả, thiết thực, được lãnh đạo hai nước đánh giá cao.

Bên cạnh đó, hai bên cũng tích cực tổ chức các hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, khơi dậy các giá trị, tình cảm hữu nghị truyền thống, gắn kết nhân dân hai nước, như: Triển lãm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ Việt - Trung (năm 2016), Du lịch đỏ Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2015), Triển lãm ảnh Thành tựu công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc; tổ chức các cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị Việt - Trung nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (năm 2017) và chuyến thăm của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (năm 2015); gặp gỡ hữu nghị nhân dân các tỉnh, thành phố Việt - Trung nhân chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang (năm 2016).

Đồng thời, còn rất nhiều hoạt động giao lưu nhân dân với các quy mô lớn nhỏ mà Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng Hội Hữu nghị Việt - Trung đã tổ chức thành công. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10-2023, khi tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đề nghị: “Hai nước tăng cường giao lưu nhân dân để củng cố nền tảng hữu nghị lâu dài cho quan hệ hai nước”.

Về phía Trung Quốc, ông Thái Kỳ khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, chia sẻ lợi ích chung rộng rãi; Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, sẵn sàng cùng Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy và định hướng quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển bền vững, lâu dài và đề nghị hai bên tăng cường các hoạt động giao lưu kênh Đảng, Nhà nước, giao lưu nhân dân, làm sâu sắc hơn nữa, vững chắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa các tầng lớp nhân dân hai nước.

Tin cùng chuyên mục