Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển - Bài 2: Chặng đường 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ ngày 30-5-2008 đến ngày 2-6-2008 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cấp cao hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên thành quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện. Trong 15 năm qua, tuy còn một số vấn đề bất cập, nhưng những thành tựu đạt được cho thấy quan hệ đang phát triển đúng hướng, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc

Những nền tảng quan trọng

Mối quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có nhiều nội dung, nhưng cốt lõi là hai bên tiếp tục và nhất quán lấy 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” làm phương châm chỉ đạo và lấy tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” làm mục tiêu phấn đấu, nhằm đảm bảo chắc chắn cho quan hệ hai nước phát triển lâu dài, ổn định và lành mạnh, không để cho bất cứ thế lực nào, bất cứ lý do nào chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Về chính trị, ngoại giao, các cuộc tiếp xúc lãnh đạo hai bên đều đạt được những nhận thức chung mang tính chất định hướng dẫn dắt quan hệ song phương kịp thời trong từng giai đoạn. Nhờ đó, một số vấn đề tồn tại không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các cuộc tiếp xúc cũng làm cho sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên càng thêm sâu sắc và được củng cố bền vững.

Cũng trong cuộc gặp giữa hai Tổng Bí thư năm 2008, hai bên đã quyết định thiết lâp đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước. Từ đó, ngoài các cuộc tiếp xúc trực tiếp, hai Tổng Bí thư hai Đảng có thể trao đổi những ý kiến quan trọng trong những thời điểm quan trọng. Năm 2011, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”. Đây là một văn kiện chung có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển.

Đặc biệt, gần đây nhất chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10 đầu tháng 11-2022 có ý nghĩa quan trọng cả về thời điểm và nội dung đạt được. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII của Đảng và diễn ra ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc. Ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm là đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước Việt Nam Trung Quốc sau đại dịch. Nhiều vấn đề vướng mắc đã được tháo gỡ, sự tin cậy chính trị được tăng cường, đồng thời định ra các phương hướng, biện pháp lớn trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, tạo nên bầu không khí mới rất thuận lợi cho hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Nhìn một cách tổng thể, sau chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hợp tác, giao lưu kênh Đảng, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại và giao lưu giữa các địa phương hai nước tiếp tục có những bước phát triển thuận lợi.

Nhiều thành tựu

Ở cấp địa phương các tỉnh biên giới hai nước, các cơ chế, chương trình giao lưu lãnh đạo địa phương cũng được tổ chức thường xuyên, như: hội nghị thường niên giữa Bí thư 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); hội nghị thường niên giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc).

Về hợp tác kinh tế, thương mại, trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 9 lần, từ khoảng hơn 20 tỷ USD năm 2008 lên 175,57 tỷ USD năm 2022. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước thành viên ASEAN. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng có sự cải thiện rõ rệt. Nếu như 15 năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ đạt 373,5 triệu USD thì những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1% trong tổng số dự án mới đăng ký).

Về quốc phòng, an ninh, hai nước đã hình thành nhiều cơ chế liên quan đến hợp tác cả trên đất liền và trên biển, như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung (bắt đầu từ năm 2014 và từ năm 2015 trở đi, giao lưu hữu nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước), thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng 3 cấp (trung ương, quân khu, cấp tỉnh). Lực lượng biên phòng hai bên đã thiết lập đường dây nóng nhằm kịp thời trao đổi thông tin, thông báo quy định, chính sách mới trong quản lý bảo vệ biên giới, cửa khẩu; đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, hoặc thông báo trao đổi xử lý khi có tình huống đột xuất. Hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực an ninh ở các cấp, từ trung ương đến địa phương.

Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng, thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Hai bên hợp tác hiệu quả trong phòng, chống tội phạm về ma túy, buôn bán người, truy nã tội phạm… ở khu vực biên giới và hàng năm, tổ chức hội nghị tổng kết công tác an ninh.

Về giao lưu nhân dân và văn hóa giáo dục, trong 15 năm qua, các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước đã được đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng. 50 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Những năm gần đây, có nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân rất hiệu quả. Trong đó nổi bật đó là Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung hàng năm do hội hữu nghị hai nước đứng ra chủ trì. Đó là các cuộc trao đổi ý kiến chân tình, thẳng thắn giữa các chuyên gia, nhân sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đến nay, diễn đàn đã tổ chức được 11 lần. Các địa phương, tổ chức khác cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa, đặc biệt là các tỉnh biên giới.

Chẳng hạn, năm 2015, nhân dịp 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai bên tổ chức hoạt động giao lưu nhân dân biên giới kết hợp với “Du lịch đỏ - theo dấu chân Bác Hồ” tại Quảng Tây, hàng ngàn người tham gia. Đây là địa bàn hoạt động rất lâu năm của Bác Hồ, là nơi Bác đã đưa ra rất nhiều quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Cũng ở đó Người đã sống và gắn bó với nhân dân Trung Quốc, được người dân Quảng Tây yêu thương, giúp đỡ.

Hiện nay, có khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới, sẽ tiếp tục cấp thêm cho Việt Nam hàng ngàn suất học bổng Chính phủ cho học sinh và cho giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc. Với phương châm chỉ đạo “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, sự kiện thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2008 là một bước tiến quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước.

Mặc dù một số vấn đề tồn tại giữa hai nước chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng nhìn lại những thành tựu 15 năm qua, chúng ta đã nhìn thấy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang đi đúng hướng. Điều đó tạo sự tin tưởng chắc chắn rằng, quan hệ hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, và sẽ phát triển lành mạnh, bền vững, mang đến lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục