Quan trắc cầu hay “quan trắc” người?

Quan trắc cầu hay “quan trắc” người?

Tốn 10 tỷ đồng và 3 tháng sửa chữa cầu Văn Thánh 2 - thuộc dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh TPHCM - nhưng một lần nữa, dự án này lại tiếp tục bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cho thấy việc khắc phục các sai sót trong công trình này là vô phương: tiếp tục lún nứt, hư hỏng vẫn hoàn hư hỏng! Trước nỗi bức xúc của công luận và người dân, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Cục giám định và Quản lý chất lượng Công trình giao thông tổ chức đoàn kiểm tra tại hiện trường.

Quan trắc cầu hay “quan trắc” người? ảnh 1

Mố cầu Văn Thánh 2 phía quận 1 đã bị lún; dầm cầu bị bể phải dùng gỗ, đá chêm.

Ngày 23-3, đoàn kiểm tra của cục này đã có kết luận về các sự cố, nêu một số điểm chính: Từ khi hoàn thành sửa chữa và thông xe (cuối tháng 1-2006) đến nay cầu Văn Thánh 2 ở trạng thái làm việc bình thường; tại các mố cầu có sự chuyển vị nhưng có xu hướng tắt dần, chuyển vị giảm rõ rệt; độ lún của nền đường sau mố cầu cũng có xu hướng giảm…

Cục này yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cần tiến hành quan trắc thường xuyên các chuyển vị mố trụ cầu, độ lún của nền đường đầu cầu trong thời gian ít nhất một năm để có kết luận và đề xuất cuối cùng về giải pháp sửa chữa cầu…!

Giới chuyên môn và cả người dân tỏ vẻ hoài nghi tính đúng đắn, nghiêm túc của kết luận này. Ngay sau khi dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn tất, đưa vào sử dụng (năm 2001) đã xảy ra tình trạng lún, nứt. Lúc đó Bộ GTVT cũng đã vào kiểm tra, kết luận: lún kỹ thuật theo biên độ cho phép. Vậy vì sao đến nay nó vẫn cứ lún, nứt? Trên cơ sở khoa học nào để cho rằng cầu Văn Thánh 2 ở trạng thái bình thường?

Nếu xảy ra sự cố tai nạn nghiêm trọng, ai chịu trách nhiệm? Có chắc rằng sự chuyển vị mố cầu giảm, độ lún nền đường giảm…? Nếu vậy thì cần gì quan trắc một năm để đưa ra phương án sửa chữa cuối cùng cho một cây cầu và một con đường mới đưa vào hoạt động. Có thể nói các kết luận trên thiếu tính thuyết phục!

Một điều gây bất bình, thậm chí cả phẫn nộ là đến nay cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa “định bệnh” và chỉ ra được ai chịu trách nhiệm ở công trình kém chất lượng này. Xảy ra sự cố trên là do đơn vị thi công – Công trình Giao thông 6 (CIENCO 6) làm gian dối hay do đơn vị thiết kế – Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South), hoặc trách nhiệm của đơn vị giám định – Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam? Hay cả 3 đều trực thuộc 1 bộ nên cơ quan quản lý lúng túng, khó xử lý, cứ dấm dúi cho qua. Cần có một cuộc “phẫu thuật” nghiêm chỉnh lại công trình này, quy trách nhiệm và xử lý cụ thể các đơn vị có liên quan.

Người dân không chấp nhận một dự án tiền tỷ cứ ngày càng xuống cấp mà không ai chịu trách nhiệm. Đã quá đủ thời gian, cơ sở thực tế để đánh giá chất lượng công trình này. Cần thiết thì phải dũng cảm đập bỏ, làm lại, xây dựng một chiếc cầu đạt chất lượng và tầm vóc vào cửa ngõ trung tâm TPHCM, tránh việc tiếp tục sửa chữa vá víu bê bối, lấp liếm. Thái độ người dân tại công trình này là cần “quan trắc” người - những người có liên quan phải chịu trách nhiệm - chứ không cần tiếp tục quan trắc thêm một năm nữa ở một dự án có quá nhiều điều tiếng!

THÚY PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục