
Như Báo SGGP đã đưa tin, Ban Nội chính Trung ương Đảng vừa công bố kết quả cuộc điều tra, khảo sát về tình hình tham nhũng và công tác chống tham nhũng tại Việt Nam. Theo đó, 3 lĩnh vực có xảy ra tham nhũng nhiều nhất là địa chính – nhà đất; hải quan; cảnh sát giao thông. Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực đã dành cho SGGP một cuộc trao đổi nhanh về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực
- PV: Thưa Bộ trưởng, ông có bình luận gì về kết quả điều tra vừa được công bố?
- Bộ trưởng MAI ÁI TRỰC: Riêng trong lĩnh vực địa chính, tôi cho rằng kết quả điều tra là rất chính xác. Mà cũng không phải đợi đến điều tra chúng ta mới có kết luận như thế. Tham nhũng trong đội ngũ cán bộ địa chính thì Trung ương đã thấy, địa phương thì quá rõ, còn dân thì đối mặt hàng ngày.
- Theo Bộ trưởng, để khắc phục thực trạng buồn này, cần có những giải pháp quyết liệt như thế nào?
- Thấy rõ những tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai nói chung và trong đội ngũ cán bộ địa chính nói riêng, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành ba việc sau đây:
Một là, thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, Bộ đã đề xuất bịt những kẽ hở dễ dẫn tới tham nhũng. Những kẽ hở đó là tình trạng giá đất Nhà nước quy định quá thấp; cơ chế xin – cho về đất đai; tình trạng ra quyết định thu hồi đất một cách tràn lan; tình trạng “phân lô bán nền” và tình trạng thủ tục hành chính mù mờ.
Hai là, có chế tài xử phạt cụ thể đối với những cán bộ quản lý đất đai có vi phạm. Nghị định 181 về thi hành Luật Đất đai đã dành hẳn một chương (Chương XIII) với 11 điều (từ Điều 166 đến Điều 176) để quy định về việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với người quản lý.
Ba là, tăng cường kiểm tra công tác quản lý đất đai, trong đó có kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính của cán bộ địa chính và đề nghị địa phương xem xét xử lý những trường hợp vi phạm. Điều quan trọng là phải có sự chuyển động từ địa phương, cơ sở.
- Vì sao Bộ trưởng không xử lý hoặc buộc địa phương phải xử lý những trường hợp vi phạm mà chỉ “đề nghị”?
- Theo quy định của pháp luật thì chỉ có một số lĩnh vực được quản lý theo ngành dọc như quân đội, công an, hải quan, kiểm sát, tòa án, thuế, kho bạc, ngân hàng. Ở các lĩnh vực này, người đứng đầu cấp Trung ương có quyền quyết định kỷ luật hoặc buộc cấp dưới ra quyết định kỷ luật đối với người trong ngành có vi phạm. Còn đối với các lĩnh vực khác, trong đó có đất đai, thì cán bộ, công chức ở cấp nào do cấp đó quyết định. Tôi có quyền quyết định cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ có mức phụ cấp lãnh đạo đến 1,25 thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; nhưng không có quyền kỷ luật cán bộ quản lý đất đai ở các cấp tỉnh, huyện, xã!
- Vậy thì làm thế nào để chống tham nhũng có hiệu quả, thưa Bộ trưởng?
- Luật Phòng chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền. Nếu thực hiện đúng như thế thì chắc chắn chống tham nhũng có hiệu quả. Chống tham nhũng phải bằng những việc làm cụ thể, quyết liệt chứ không phải bằng những lời nói, dù đó là những lời nói hùng hồn và gay gắt nhất.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
ANH THƯ