Ngày 22-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các ĐBQH. Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 5).
Nhiều chỉnh lý phù hợp với nhu cầu đổi mới
Ông Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến nhân dân và ĐBQH tán thành với quy định về chế độ chính trị như trong dự thảo. Về bản chất nhà nước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trên cơ sở kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992. Theo đó, tiếp tục quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các ĐBQH tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của dự thảo. Quy định về Đảng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Liên quan đến hiến định vai trò của kinh tế nhà nước, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH quy định về nội dung này tại khoản 1, điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Về thu hồi đất, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban DTSĐHP đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài lý do thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. Ủy ban đề nghị QH cho phép chỉnh lý khoản 3, Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Đáng lưu ý, liên quan đến nội dung về trưng cầu ý dân (khoản 15, Điều 70), Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, trưng cầu ý dân là một nội dung quan trọng, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Do vậy, quy định về trưng cầu ý dân cần phải được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, việc quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn phát triển đất nước. “Để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp mà để luật quy định” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh. Do đa số ý kiến đồng ý với việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không đồng ý thành lập Hội đồng Hiến pháp nên đề nghị QH không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo.
Trong nội dung tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo cũng đạt thống nhất cao về các chế định về vị trí, tính chất, thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, gồm QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với chính quyền địa phương, dự thảo mới đã có nhiều chỉnh lý phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Theo đó, chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính sẽ phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc thành lập HĐND, UBND sẽ căn cứ trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.
Khen thưởng đúng người, tránh hình thức
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thi đua - khen thưởng. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo đã tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng quy định cụ thể đối với các hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Huân chương Lao động” các hạng, bằng khen cho các đối tượng này và quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động.
Để thuận lợi và thống nhất trong quá trình thực hiện theo quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn các tiêu chí đối với khen thưởng theo công trạng, thành tích các hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, dự thảo cần sửa lại theo hướng quy định một cách cụ thể khen thưởng phải kèm theo mức thưởng tương ứng cho tập thể và cá nhân. Khen như thế nào thưởng như thế nấy, làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng khen tràn lan, không có tác dụng động viên, khuyến khích. Đối với nhiều địa phương, cơ quan do không có kinh phí nên cứ khen mà không có thưởng hoặc mức thưởng thấp, không có tác dụng động viên.
Để ngăn ngừa việc thi đua, khen thưởng mang tính hình thức, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), cho rằng cần luật hóa việc này theo hướng cấp trên chủ động xem xét, đánh giá và khen thưởng thành tích cấp dưới. Không để các đơn vị tự đánh giá thành tích của mình và yêu cầu cấp trên khen thưởng như hiện nay. Khắc phục tình trạng nơi nào đề nghị nhiều thì được khen nhiều, nơi nào ít đề nghị hoặc không đề nghị thì ít hoặc không được khen thưởng.
| |
Có sự gắn kết các quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 22-10, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình bày báo cáo về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, Ủy viên Thường trực Ban Biên tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xung quanh nội dung này.
- Phóng viên: Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân đến đâu, thưa ông?
>> Ông ĐINH XUÂN THẢO: Sau 2 năm nghiên cứu, chuẩn bị cho đến nay là lần thứ 3 trình QH Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo lần này đã đáp ứng được những vấn đề cần thiết nhất cần phải sửa đổi đối với bản Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 1992). Tất cả những nội dung từ lời nói đầu đến các chương cuối cùng đều được xem xét kỹ lưỡng ý kiến đóng góp của nhân dân trong suốt thời gian qua. Tất cả các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được tổng hợp. Hàng triệu ý kiến của nhân dân tập trung vào các cụm vấn đề đều được đưa ra xem xét. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp rất nhiều lần, đã trao đổi rất kỹ và cuối cùng đưa ra dự thảo cuối cùng trình QH kỳ này. QH sẽ thảo luận thêm trong những ngày tới nhằm có một bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn thiện để thông qua.
- Một trong những vấn đề quan tâm nhất của người dân đối với lần sửa đổi Hiến pháp kỳ này là vấn đề thu hồi đất. Đối với việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình? Vậy QH sẽ xem xét thế nào?
Lần này có một thuận lợi lớn là QH sẽ đồng thời thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi (chỉ cách nhau 1 ngày), vì thế khi thảo luận về 2 văn bản quan trọng này để bấm nút thông qua, ĐBQH sẽ xem xét kỹ càng sự tương thích giữa quy định chung trong Hiến pháp và quy định cụ thể trong Luật Đất đai sửa đổi. Điều này chắc chắn sẽ được ĐBQH rất cân nhắc. Tôi nhận thấy giữa quy định của Điều 53, Điều 54 Hiến pháp sửa đổi so với Điều 61, Điều 62 của Luật Đất đai sửa đổi đã có sự gắn kết chặt chẽ. Ví dụ, bên Hiến pháp sửa đổi quy định thu hồi đất vì mục đích an ninh - quốc phòng thì trong Luật Đất đai sửa đổi phải kể rõ các trường hợp thu hồi này. Tương tự, Hiến pháp sửa đổi nói thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì bên Luật Đất đai sửa đổi cũng phải đưa ra các trường hợp cụ thể chứ không phải là sau này mới tùy tiện quy định. Luật Đất đai sửa đổi sẽ quy định rất cụ thể các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế.
Nhóm PV