Tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng
Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 3 chuyên đề và tổ chức hoạt động chất vấn tại 3 kỳ họp, ban hành 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn “phê bình” Chính phủ chưa gửi báo cáo kịp thời, nên ủy ban của Quốc hội cũng chưa thẩm tra.
Thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổng hợp báo cáo thẩm tra cho rằng, về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong nghị quyết của Quốc hội.
Về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chất vấn, ví dụ như với lĩnh vực công thương, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dù đã đạt được những kết quả nhất định như: khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ, nhiều dự án đã từng bước giảm lỗ, dần đi vào ổn định và bước đầu có lãi; nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được sửa đổi, ban hành… Tuy nhiên, một số dự án tiến độ còn chậm; việc xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC chưa được giải quyết; tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại gia tăng, có diễn biến phức tạp…
Đề cập đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong số 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TW (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo) đã được xây dựng, triển khai, đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện. Trong đó, việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2 trong 1 được coi là “đã mang lại những kết quả nhất định”, song kết quả kỳ thi còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
“Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Đáng lưu ý, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa (SGK) còn nhiều bất cập. Dự thảo đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29/TW”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Làm rõ nghi vấn về độc quyền SGK
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhấn mạnh, yêu cầu rà soát công tác tổ chức kỳ thi quốc gia, nhất là sau những vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được phát hiện. “Tôi rất băn khoăn về SGK và sự lãng phí trong in ấn, phát hành SGK”.
Đưa ra quyển sách Toán lớp 1 để minh chứng, bà Nga bày tỏ bức xúc về việc xã hội mỗi năm phải chi 1.000 tỷ đồng vào việc mua SGK để rồi năm sau không dùng được nữa, chỉ vì sách yêu cầu học sinh làm luôn bài tập vào đó. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng không ngần ngại nêu nghi vấn về tình trạng độc quyền trong sản xuất, phát hành SGK.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, cho biết, ủy ban đang tiến hành giám sát việc có hay không tình trạng vi phạm luật về chống độc quyền trong vấn đề này. Kết quả cụ thể sẽ được công bố công khai vào cuối năm nay.
“Tới đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn không phải theo vấn đề mà chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ”, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ông cũng cho biết, sau khi được rà soát, hoàn thiện, báo cáo thẩm tra là căn cứ đặc biệt quan trọng để các đại biểu Quốc hội chất vấn, từ đó đánh giá tín nhiệm các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các cơ quan tư pháp.
“Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, việc kiểm soát, hạn chế thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội đã mang lại những kết quả bước đầu. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 còn chậm. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí đưa tin theo hướng giật gân, câu khách gây phản cảm. Hiện tượng thông tin sai sự thật trên một số báo chí, đặc biệt là báo điện tử và các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Việc xử lý thông tin sai phạm trên mạng internet vẫn còn hạn chế”. (Theo Báo cáo tóm tắt được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp). |