Hôm qua 19-11

Quốc hội thông qua 3 dự án luật

Quốc hội thông qua 3 dự án luật

Hôm qua 19-11, Quốc hội đã thông qua 3 dự án luật: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ môi trường. Cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2006 của Quốc hội.

  • Sử dụng tác phẩm đã công bố phải trả thù lao cho tác giả

Điểm đáng chú ý trong Luật Sở hữu trí tuệ (được Quốc hội thông qua với 74,49% phiếu thuận) là quy định: “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ”.

Quốc hội thông qua 3 dự án luật ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thông qua các dự luật.

Trước đó, trong Điều 25 của dự thảo về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao có quy định: “Các hoạt động biểu diễn tác phẩm sân khấu, các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào”.

Nhiều đại biểu cho rằng, với quy định như vậy, các tác giả Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi so với tác giả nước ngoài khi cùng được sử dụng tác phẩm trên sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam. Nhưng nếu quy định trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả thì cũng không hoàn toàn phù hợp với các hoạt động phi thương mại và thực tế ở nước ta.

  • Sẽ trình Quốc hội Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2006

Với 71,86% đại biểu tán thành, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, tại kỳ họp thứ 9 vào khoảng tháng 5-2006, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật (trong đó có dự án sửa Luật Tổ chức Quốc hội), 1 nghị quyết (về tiêu chuẩn các công trình quốc gia cần trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư); cho ý kiến 13 dự án luật, trong đó có Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật Về hội; Luật Quản lý thuế, Luật Cư trú, Luật Đăng ký bất động sản.

Trong kỳ họp thứ 10, cuối năm 2006, Quốc hội sẽ thông qua 14 dự án luật, cho ý kiến về 12 dự án luật. Một số dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội lần đầu là Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Công vụ; Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại; Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chuyển việc xem xét Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2006 để có sự chuẩn bị kỹ hơn trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập cao. Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị chưa vội trình dự án luật này, mà nên lùi lại đến năm 2009 để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

  • Quốc hội sẽ giám sát tối cao về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Theo Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2006 của Quốc hội đã được thông qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai. Tại kỳ họp cuối năm 2006, sẽ có chuyên đề giám sát về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

Quốc hội cũng giao cho UBTVQH, lần lượt tại các kỳ họp 9 và 10, giám sát việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự; về thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong năm 2006, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sẽ giám sát 8 chuyên đề: thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự; tình hình thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi, người tàn tật; việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện các hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng. 

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng và 7 Bộ trưởng
Sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội

Hôm qua 19-11, tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, tuần tới Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cùng 7 vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

7 vị bộ trưởng đó là: Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến.

Các thành viên Chính phủ nói trên đều đã từng trả lời chất vấn tại Quốc hội về các vấn đề dư luận rất quan tâm như giá thuốc cao, quá tải tại các bệnh viện; chất lượng giáo dục thấp, dạy thêm, học thêm tràn lan; khiếu kiện liên quan đến đất đai chưa giảm; chất lượng công trình xây dựng, giao thông còn nhiều vấn đề...

Sau khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay mặt Chính phủ trả lời các vấn đề chung, mang tính vĩ mô và những vấn đề liên quan đến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

HÀ MY - BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục