Quốc hội thông qua nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa

Chiều 22-11, với gần 90% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia.
Quốc hội thông qua nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa

(SGGP).- Chiều 22-11, với gần 90% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia.

Theo đó, Quốc hội (QH) ra Nghị quyết nêu rõ mục tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững...

Một số chỉ tiêu cụ thể: diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 là 26.732.000 ha, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia là 26.550.000 ha. Trong đó, đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,812 triệu ha, kế hoạch 5 năm là 3,951 triệu ha...

Giữ diện tích trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ảnh: T.CƯỜNG
Giữ diện tích trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ảnh: T.CƯỜNG

QH cũng đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà QH đã phê duyệt. Phải xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa, trong đó chú trọng đầu tư về hạ tầng, có chính sách để bảo đảm người trồng lúa yên tâm sản xuất. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất phi nông nghiệp phải theo quy hoạch, tiết kiệm, hiệu quả...

Nghị quyết QH cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, nếu phát sinh các trường hợp cần điều chỉnh các chỉ tiêu, Chính phủ phải trình QH xem xét, quyết định. Định kỳ hàng năm, Chính phủ phải có báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với QH.

Thủ tướng tiếp các doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa XIII

Nhân kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, chiều 22-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, lực lượng doanh nhân trong đó có các doanh nhân là đại biểu Quốc hội tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, đóng góp không chỉ trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà còn đóng góp cho Chính phủ trong việc xây dựng thể chế; tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công khai, minh bạch; đóng góp vào tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Chia sẻ trước những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo hiệu quả những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn về vốn, đồng thời Chính phủ sẽ tiếp tục có chính sách miễn giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp; kiểm soát tốt nhập siêu; mở rộng thị trường trong và ngoài nước...

Phan Thảo



Trước phiên chất vấn

Theo dự kiến, hôm nay 23 - 11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn một số thành viên Chính phủ. Ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn vào sáng 25-11. Cử tri cả nước đang chờ đợi ĐBQH chất vấn những vấn đề bức xúc.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ:
Công khai lỗ - lãi của xăng dầu

Kỳ này tôi chất vấn vấn đề bình ổn giá xăng dầu đối với Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Vừa qua chúng ta đã thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng rất thiếu công khai trước quốc dân đồng bào. Tôi hy vọng các bộ sẽ trả lời rõ về quỹ này. Đồng thời, cơ chế quản lý giá xăng dầu sau này phải chặt chẽ hơn, giá xăng dầu lên xuống thế nào cần phải công khai rõ cho người dân chứ không để như hiện nay ngành này lỗ hay lãi cũng không rõ, thậm chí người dân còn nghi ngờ có sự “làm giá” của các doanh nghiệp độc quyền.

ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN: Không thể để lương giáo viên mầm non như hiện nay

Tôi chất vấn vấn đề thu nhập của giáo viên mầm non. Đây là thực tế rất bức xúc hiện nay, hàng loạt giáo viên mầm non bỏ nghề vì thu nhập quá thấp, trong khi mầm non là bậc học rất quan trọng. Ngành giáo dục đã hứa giải quyết lâu rồi mà chưa làm được, tôi muốn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải nói cụ thể về vấn đề này. Không thể để thu nhập của giáo viên quá thấp như hiện nay.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Làm rõ các vấn đề cấp bách của nông nghiệp, nông thôn

Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Việt Nam có cả một vùng nông nghiệp, nông thôn rộng lớn, dân số ở nông chiếm tới hơn 70% dân số cả nước. Do vậy vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân hết sức cấp bách, lĩnh vực này còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết như quản lý phân bón, thuốc trừ sâu giả, giống cây trồng vật nuôi, bảo đảm năng suất cao và giá cả cao sau thu hoạch. Phải làm rõ việc quản lý giá xăng, dầu, than, điện vì những mặt hàng này nếu không được quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nhiều loại khác, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân.

Phan Thảo


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Sẽ kiểm tra việc trả lương ở EVN

* Sẽ chuẩn bị một luật về lương tối thiểu

Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 22-11 về dự thảo Bộ luật Lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề lương tối thiểu và thông tin đang gây nhiều tranh luận về lương của người lao động ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

- PV: Thưa Bộ trưởng, có ý kiến ĐBQH cho rằng dự thảo luật chưa giải quyết tận gốc bất hợp lý về lương tối thiểu?

- Bộ trưởng PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN: Mong muốn là một việc, song thực tế là tiền lương phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế. Chính phủ cho rằng cần thiết phải xây dựng luật về tiền lương tối thiểu và Bộ LĐTB-XH đang xúc tiến việc chuẩn bị xây dựng văn bản pháp luật này. Tuy nhiên, dự thảo bộ luật lần này cũng đã có nhiều sửa đổi bổ sung quan trọng, chẳng hạn như việc áp dụng các mức lương tối thiểu khác nhau cho người lao động khối hành chính sự nghiệp (830.000 đồng/tháng), với khối doanh nghiệp ở thành phố (2 triệu đồng/tháng).

- Nhiều đại biểu nói doanh nghiệp trả lương trên cơ sở lương tối thiểu không đủ đảm bảo cuộc sống cho người lao động thì sao, thưa bộ trưởng?

- Như trong dự thảo luật đã trình ra Quốc hội thì đang có hai luồng ý kiến. Có ý kiến cho rằng cần có thang bảng lương để yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng theo. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định mức lương tối thiểu là đủ, vì chủ sử dụng lao động có khả năng thì cũng sẽ trả vượt lên trên khung tối thiểu đó để còn thu hút nhân lực. Tôi cho rằng ngay cả khi có quy định về thang bảng lương mà không có sự kiểm soát thường xuyên thì doanh nghiệp vẫn không thực hiện như thời gian vừa qua, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Nên xây dựng mức lương tối thiểu phù hợp để khống chế mức sàn, còn nếu anh trả càng cao hơn càng tốt.

- Vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố mức lương trung bình của cán bộ công nhân EVN là 7,3 triệu đồng/tháng và lãnh đạo tập đoàn này cho là không đủ sống ở thành thị,
bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Nếu nói lương là 7,3 triệu đồng/tháng mà không sống được thì không phù hợp với thực tiễn hiện nay, vì thực tế lương tối thiểu khối doanh nghiệp chỉ là 2 triệu đồng/tháng, còn so với khối công chức chỉ có 830.000 đồng.

- EVN nói đang lỗ trên 10.000 tỷ đồng mà trả lương như vậy liệu có hợp lý không?

- Xứng đáng hay không thì tôi không bình luận. Nhưng tôi nghĩ bao giờ trả lương cũng phải phù hợp với hạch toán kết quả kinh doanh. Nếu không có lãi mà trả lương cao thì đó là điều khó chấp nhận.

- Vậy Bộ LĐTB-XH có yêu cầu rà soát lại việc này?

- Về nguyên tắc chúng tôi có thể yêu cầu xem lại việc trả lương cho người lao động đã phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị hay chưa. Nếu bất hợp lý chúng tôi sẽ kiến nghị phải theo cơ chế hiện hành của Nhà nước. Chúng tôi cũng không chỉ có kế hoạch kiểm tra lương của ngành điện mà đã đi kiểm tra nhiều đơn vị khác về trả lương theo thang bảng lương và định mức.

- Với EVN, bộ có kế hoạch để kiểm tra không, thưa bộ trưởng?

- Lãnh đạo ngành điện chỉ mới công bố như vậy, nhưng nếu còn có ý kiến khác nhau chúng tôi cũng sẽ phải kiểm tra.

Quốc hội thông qua nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa ảnh 2

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục