Tường thuật trực tiếp

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Hôm nay (7-5), Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang tiếp tục được thảo luận tại hội trường. Bên hành lang kỳ họp, PV báo SGGP tranh thủ trao đổi với một số đại biểu về vấn đề "chuyển đổi giới tính, mang thai hộ..."

Ông Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội:
Không gắn vấn đề cư trú với hộ tịch

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 1

- Xin ông cho biết ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Dân sự đưa quy định về hiến xác và các bộ phận cơ thể vào dự luật ra sao?

- Ngay khi đưa những nội dung này vào quy định đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng cần tôn trọng truyền thống đạo lý, tâm linh của dân tộc Việt Nam, vì thế việc lấy ý kiến người thân của người quá cố là cần thiết.

Tuy nhiên, lường trước được việc lấy ý kiến này sẽ rất khó nên so với lần dự thảo trước là “việc hiến xác (hoặc các bộ phận cơ thể) chỉ được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ (chồng), con đã thành niên...” , thì bản dự thảo lần này đã bỏ từ “chỉ”. Cần nói thêm rằng quy định trong dự thảo này chỉ mới là nguyên tắc, việc thực hiện cụ thể như thế nào sẽ được quy định tại văn bản dưới luật.

- Còn quy định về xác định lại giới tính? Trên thực tế đã có nhiều trường hợp thực hiện chuyển đổi giới tính ở nước ngoài và những cá nhân này cho biết họ gặp phải vô vàn rắc rối về pháp lý.

- Đúng là có việc này, vì vậy mặc dù có ý kiến cho rằng chưa nên quy định vấn đề quá mới này vào bộ luật, Ban soạn thảo vẫn đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này. Tôi muốn lưu ý rằng, việc xác định lại giới tính chỉ được thực hiện khi hội đủ các điều kiện nhất định chứ không phải là tự do chuyển đổi. Đó là khi có khuyết tật bẩm sinh, giới tính chưa rõ ràng và phải can thiệp bằng y học.

- Cơ quan nào có thẩm quyền nói “được” với trường hợp này hay “không” với trường hợp kia?

- Phải đợi văn bản pháp luật chuyên ngành.

Ông Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông:
Về chuyện hiến xác và các bộ phận cơ thể, quy định như dự thảo thì sẽ không có một trường hợp hiến xác nào, vì làm sao mà đạt được sự đồng thuận của tất cả bố, mẹ, vợ chồng, con cái của người đã đồng ý hiến! Đã quy định quyền nhân thân, sao lại không tôn trọng quyền được quyết định về cơ thể mình của người đã hiến xác? Mang thai hộ cũng thế. Sao lại không cho phép vì sợ rằng không xác định người mẹ? Những xét nghiệm về ADN hoàn toàn có thể chỉ ra chính xác ai là bố mẹ của đứa trẻ.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung một số quyền nhân thân khác như quyền được chết, quyền mang thai hộ... Ông có bình luận gì?

- Ở thời điểm này chưa nên đưa vào luật, vì chưa được kiểm nghiệm nhiều qua thực tế.

- Lấy ví dụ quyền được chết. Nếu không đưa vào luật, liệu có xảy ra trường hợp như ở nước Mỹ, khi người ta tranh cãi ngày này sang năm khác xung quanh quyền được chết của một người phụ nữ? Ông nói sao, nếu ông là quan tòa?

- Quan tòa phải nói theo luật. Và luật hiện nay chưa cho phép. Cá nhân tôi đồng ý rằng trong một số trường hợp rất cụ thể nào đó, khi một người không thể sống hoặc sự sống gây quá nhiều đau đớn cho người đó thì cũng nên xem xét, nhưng ở thời điểm này thì chưa thể đưa vào bộ luật, tránh khả năng lợi dụng quy định này để làm ảnh hưởng đến quyền được sống - quyền nhân thân quan trọng hơn cả của con người.

- Quy định về hộ tịch là vấn đề được chính quyền địa phương rất quan tâm, nhất là với những thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Dự thảo bộ luật lần này không quy định vấn đề này thành mục riêng mà đưa một số nội dung vào quyền nhân thân, như thế có hợp lý không?

- Hợp lý. Quan điểm của Ban soạn thảo là không gắn vấn đề cư trú với hộ tịch, đảm bảo quyền tự do cư trú.

- Điều này có làm gia tăng làn sóng nhập cư vào các thành phố lớn, vốn đang quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội?

- Phải giải quyết bất cập này bằng cách khác, không thể dùng hộ tịch như một thứ “rào cản”.

- Ông đồng ý với một đại biểu Quốc hội cho rằng “chỉ cần dùng chứng minh thư là đủ”?

- Không hẳn thế. Nhưng cần tiếp tục cải cách hành chính trong công tác cấp hộ tịch, vừa để thuận lợi cho người dân, vừa không tạo kẽ hở cho những cán bộ thực thi công vụ có thể yêu sách, đòi hỏi người dân.
 

Ông Nguyễn Đình Lộc, đại biểu Quốc hội TPHCM:
Quyền xác định lại giới tính cần được quy định cụ thể

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 2

- Ông nhận xét thế nào quyền xác định lại giới tính như trong Dự thảo Bộ luật Dân sự?

- Theo tôi, ý kiến xác định lại giới tính hiểu như dự thảo là hẹp quá. Ở đây có vấn đề về sinh lý, gen thì có những người có cấu tạo là nữ nhưng có cá tính nam và ngược lại (những người đồng tính luyến ái); và người ta có nhu cầu trởû lại giới tính tự nhiên, mà bây giờ khoa học đã có điều kiện cho phép làm việc đó.

Như vậy, nói thay đổi giới tính thì không phải là thay “lại” mà là làm “rõ” giới tính, vì với tinh thần này mới chỉ là làm rõ giới tính thôi. Theo tôi, đã có quy định thì không nên hạn chế làm gì vì không phải dễ dàng mà người ta thay đổi lại giới tính, không phải ai cũng muốn làm việc đó mà do sinh lý của người ta, từ lúc cha sinh mẹ đẻ ra người ta đã như vậy.

- Trên thực tế tại Hà Nội, TPHCM đã có những nhóm, câu lạc bộ những người đồng tính nhưng trong dự thảo lại đưa vấn đề chuyển đổi giới tính chưa được triệt để. Liệu rằng như vậy, chúng ta có đặt họ ra ngoài sự quản lý hay không?

- Trước đây, tôi vẫn cho rằng đã là hôn nhân thì phải duy trì được nòi giống nhưng tình hình xã hội hiện nay cho thấy, hôn nhân nhiều khi cũng chỉ là vấn đề tâm sinh lý. Hiện nay, quy định của chúng ta mới chỉ bắt họ “phục tùng” mình thôi nhưng thực tế những đối tượng này họ không chịu, có nghĩa là quyền cơ bản, quyền tự nhiên của con người không được thực hiện. Trong bộ luật này, quy định về vấn đề trên không rõ và mới chỉ dừng ở mức nửa vời, chưa triệt để. 

Anh Thư - Ngọc Quang

* * *

 Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung:
- Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự;
-  Vấn đề hộ tịch;
- Quyền hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác và một số quyền nhân thân khác;
-  Các hình thức sở hữu;
-  Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản;
- Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;
- Vấn đề hụi, họ, biêu, phường;
-  Thiệt hại về tinh thần do tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm;
- Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian họ được trường học, bệnh viện hoặc tổ chức khác trực tiếp quản lý;
-  Quyền thừa kế...

Trong buổi thảo luận sáng nay, ông Trần Mạnh Đĩnh, đại biểu tỉnh Nam Định; bà Đinh Thị Thảo, đại biểu tỉnh Hoà Bình; ông Nguyễn Đình Lộc, đại biểu TPHCM đã phát biểu nhiều ý kiến  tán thành với quy định trong dự thảo Bộ luật về quyền hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác để chữa bệnh, nghiên cứu khoa học. Các đại biểu cho rằng quyền hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác là một quyền nhân thân của cá nhân cần được quy định trong Bộ luật Dân sự.

Các đại biểu cũng thống nhất vì đây là vấn đề mới nên trong dự thảo Bộ luật Dân sự chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc với tư cách là quyền dân sự về nhân thân, còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng bộ phận cơ thể người, xác người chết sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản khác.

Tuy nhiên về việc quy định hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của người chết chỉ được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người đó vẫn còn những ý kiến trái ngược nhau.

Có ý kiến cho rằng đây là quyền nhân thân, chỉ cần sự đồng ý của người hiến xác, hiện bộ phận cơ thể là được phép làm. Loại ý kiến thứ hai cho rằng mặc dù đây là quyền nhân thân nhưng việc thực hiện quyền này lại phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ, vợ chồng, con của người đã chết nên để phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc ta cần quy định việc hiến xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện với sự đồng ý của cha mẹ, vợ chồng, con đã thành niên của người đó.

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 3

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc , bà H Luộc Nitơ phát biểu ý kiến.

Bà H Luộc NTóR (đại biểu QH tỉnh Đắc Lắc) đề cập đến quyền sở hữu tài sản, hiện nay nước ta đang có nhiều hình thức thu hút đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực do đó cần chú ý ngoài các hình thức sở hữu đã có, phải công nhận quyền sở hữu tài sản của các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Đối với hộ gia đình, đây cũng là một chủ thể độc lập về quyền sở hữu tài sản, thực tế kinh tế gia đình cũng tham gia vào các họat động sản xuất kinh doanh, giao dịch thương mại, do đó cũng cần phải công nhận quyền sở hữu tài sản gia đình.

Về quyền mang thai hộ, quyền được chết, theo tôi không nên đưa vào Luật Dân sự, vì đây là những trường hợp cá biệt, không phổ biến và trái với thuần phong mỹ tục của nước ta.

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 4

Đại biểu phát biểu tại hội trường

Theo ông Dương Trung Quốc (đại biểu QH tỉnh Đồng Nai), Đ.26 Bộ LDS qui định vấn đề họ và tên, theo tôi, mỗi người khi sinh ra đều có ngày, tháng, năm sinh, đều có tên riêng. Do vậy, trong quan hệ xã hội, các giao dịch cộng đồng, quan hệ kinh tế, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm dân sự trước pháp luật, do vậy mỗi cá nhân phải có tên gọi chính thức.

Liên quan đến vấn đề sử dụng hình ảnh, hồ sơ lý lịch của cá nhâ, lâu nay vẫn thường xảy ra các vụ kiện cáo về việc sử dụng hình ảnh, hồ sơ cá nhân không xin phép, do vậy, việc sử dụng hình ảnh, hồ sơ cá nhân phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý hồ sơ hoặc của cá nhân, thân nhân họ. Cần phân biệt việc sử dụng hình ảnh, hồ sơ cá nhân theo từng mục đích chung và riêng.

Bà Lê Thị Nam (đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương): Đề cập đến Đ. 622 – 624 Bộ LDS về việc quản lý di sản thừa kế, tôi tán thành với ý kiến giải trình của UBTVQH, nhưng cần lưu ý pháp luật cần bảo vệ người được hưởng di sản thừa kế, vì trên thực tế có trường hợp người được hường di sản thừa kế đi kháng chiến hàng chục năm, người được giao quản lý tài sản thừa kế lợi dụng chiếm đoạt, gây thiệt hại cho người được hưởng thừa kế.

Ông Lương Phan Cừ (đại biểu QH tỉnh Đăk Nông): Đ.107 qui định về đại diện hộ gia đình, theo tôi, chủ hộ phải là người đại diện hộ gia đình, vì chủ hộ thường là người đứng tên chủ hộ khẩu, là cha, mẹ hoặc người có uy tín trong gia đình.

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 5

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, bà Lê Thị Nam phát biểu ý kiến.

Về quyền hiến xác, điều 32 -34 Bộ LDS qui định phải có sự đồng ý của gia đình, thân nhân trong việc mổ tử thi, hiến xác. Bộ LDS hiện hành cho phép bệnh việc mổ tử thi phục vụ cho nghiên cứu khoa học và các vấn đề khác. Nếu việc hiến xác, mổ tử thi phải có sự đồng ý của thân nhân, thì thụt lùi so với Bộ LDS. Việc hiến xác phải tôn trọng ý kiến của người quá cố bởi vì đó là hành vi cao đẹp phục vụ cho cuộc sống.

Về quyền khai sinh, điều 49 qui định phải có khai sinh, theo tôi là cần thiết bởi lẽ hiện nay có nhiều trường hợp trẻ em được thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Việc ra đời của các cháu cũng cần phải có giấy khai sinh để chứng minh cho nhân thân của mình trong xã hội.

Bà Đinh Thị Ninh (đại biểu quốc hội tỉnh Sơn La): Đề cập đến việc bồi thường nhân phẩm, cần làm rõ thế nào là xúc phạm nhân phẩm, bởi vì nhân phẩm con người không thể cân đong đo đếm. Do vậy cần có qui định cụ thể thế nào là xúc phạm, các nguyên tắc cơ bản xem xét chế độ bồi thường và mức bồi thường cụ thể.

Tại điều 21 –khoản 2, trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân phải được phép của cá nhân đó, đối với người đã mất, hoặc bị tâm thần, cần có sự đồng ý của người thân cá nhân đó.

Theo ông Vũ Ngọc Cừ (đại biểu quốc hội tỉnh Lao Cai), Điều 43 đề cập đến việc hiến xác có 2 vấn đề cần chú ý: đó là di chúc của người hiến xác cần phải có đại diện người hiến xác chứng kiến ký tên trước khi người hiến xác bày tỏ ý nguyện trước khi chết. Hoặc phải được sự chấp thuận của cha mẹ, vợ chồng.

Về hình thức sở hữu tài sản, ngoài 6 hình thức đã có, cần ghi nhận thêm hình thức sở hữu thứ 7 đối với quyền sở hữu tài sản của người nước ngoài theo Đ.162 Bộ LDS.

Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) ảnh 6

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình, Đinh Thị Thảo phát biểu ý kiến.

Đại biểu Mai Anh (Khánh Hòa) tham gia góp ý dự thảo về các hình thức giao dịch như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể thì nên bổ sung thêm hình thức giao dịch điện tử và xem đây là một hình thức giao dịch độc lập. Vấn đề nữa, vì Bộ luật Dân sự là bộ luật chung, là tổng thể các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chính vì thế không nên đưa vào đây những vấn đề quá đặc thù, làm mất ổn định cho BLDS.

Do đó, tôi kiến nghị nên loại bỏ những vấn đề nêu quá chi tiết về "Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ". Hơn nữa, chúng ta cũng đang tiến hành xây dựng một luật về sở hữu trí tuệ riêng. 

Đại biểu Trần Thị Trung Chiến (Hậu Giang): Tôi cảm ơn các đại biểu đã đóng góp cho ngành y tế nhiều ý kiến xung quanh "Quyền hiến xác và cho các bộ phận cơ thể", tôi có vài ý kiến sau:

- Thay từ ngữ "mổ tử thi" bằng từ "khám nghiệm tử thi" vì "khám nghiệm tử thi" chi tiết và nhiều công đoạn hơn là "mổ tử thi" chỉ là một công đoạn của "khám nghiệm tử thi".

- Việc khám nghiệm tử thi ở các cơ sở ý tế chỉ được thực hiện khi có quyết định của người đứng đầu cơ sở ý tế đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan tố tụng.

- Tình trạng sinh viên y khoa thiếu xác chết để thực tập như hiện nay thì chúng ta khó có nhiều bác sỹ giỏi. Vì vậy, ở khoản 1, điều 34 của dự thảo nêu: "Phải có sự đồng ý của cha mẹ, vợ chồng, con trưởng thành...về việc thực hiện ý nguyện hiến xác, cho bộ phận cơ thể của người chết" sẽ khó thực hiện được.

Trước nay, người bệnh cần thay các bộ phận trong cơ thể ở nước ta rất nhiều, người có tiền thì ra nước ngoài điều trị, còn không thì chỉ lấy thận, gan...của người thân trong gia đình có cùng huyết thống, chứ chưa có trường hợp nào lấy được bộ phận cơ thể của người đã hiến sau khi chết...

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương): Cần nghiên cứu, cân nhắc và thận trọng trong vấn đề thế chấp tài sản trong giao dịch dân sự vì nó liên quan đến nhiều tình huống có thể xảy ra cũng như nhiều bên liên quan (cá nhân, đơn vị). Còn vấn đề "bảo lãnh" như dự thảo nêu chỉ là "cam kết" thì tôi thực sự lo ngại vì đây chỉ là hình thức "tín chấp" không có gì ràng buộc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) cho rằng, quyền sở hữu tài sản, chủ thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải xác định cho thật rõ. Nghị định 81/CP của Chính phủ về quyền thừa kế nhà, đất hiện chưa hợp lý, chưa thật sự bình đẳng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ông Trân cũng cho rằng, Luật giao dịch điện tử, sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) còn mâu thuẫn với một số luật khác. Vấn đề này cần xem xét lại. Cần tránh tình trạng “trống đánh xuối, kèn thổi ngược”.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận), phải xác định rằng, vấn đề hiến xác là một việc làm nhân đạo, là một cống hiến cao quý, nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, đề cao những người có ý nguyện tốt phục vụ nghiên cứu khoa học và cuộc sống con người. Để khỏi phức tạp, cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người có thân nhân tình nguyện hiến xác.

Về vấn đề hụi họ, đại biểu Huỳnh Văn Tí đề nghị pháp luật nên cho phép hoạt động đối với mục đích hỗ trợ nhau làm ăn, tránh tình trạng lạm dụng để huy động vốn làm giàu bất chính hoặc lừa đảo, vỡ nợ… làm mất trật tự, an ninh xã hội.

Trong phát biểu của mình, đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) đề nghị bổ sung thêm việc cho phép sửa đổi “người đại diện hộ gia đình” nếu các thành viên trong gia đình yêu cầu, khi xét thấy người đại diện hộ gia đình không còn đủ tư cách, có thể làm phương hại đến uy tín, danh dự gia đình.

Đại biểu Nguyễn Văn Ngàng (Hải Phòng) nêu ý kiến, phần di chúc liên quan đến tài sản của người chết trước đối với vợ hoặc chồng nên chia thành 2 phần, trong đó xác định thời gian người còn sống được hưởng thừa kế và quyền chia thừa kế cho người khác…

Theo đại biểu Đặng Thị Thúy Nga (Hà Tây), dự thảo nêu ý nghĩa về quyền được xác định giới tính chưa rõ. Luật cần làm rõ việc cho phép y học can thiệp để thay đổi giới tính khi nào, đối tượng nào được thay đổi giới tính… Đặc biệt chú ý tới trẻ mới sinh có khuyết tật về giới tính, cần can thiệp sớm cho đúng giới tính, theo quy định của pháp lụật...

Đúng 11 giờ 20 phút, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đứng lên phát biểu kết thúc buổi thảo luận sáng. Ông nhận xét: Các ý kiến phát biểu của các đại biểu sáng nay đều tâm huyết, gọn, rõ, đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu các ý kiến của đại biểu để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý những vấn đề cụ thể đặt ra trong Dự thảo luật. Trong sáng nay, một số ý kiến của các đại biểu cũng nêu ra một số phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu để xây dựng Bộ luật Dân sự mới khả thi, hoàn chỉnh hơn.


Chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Thương mại (sửa đổi), sau đó các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án luật này.


KIỀU PHAN- VĂN QUANG- LÊ DŨNG

Tin cùng chuyên mục