Sáng nay 9-11:

Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Bộ luật thi hành án

Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Bộ luật thi hành án

Sáng nay tại Hội trường Ba Đình, các đại biểu QH tiếp tục phiên thảo luận về dự án Bộ luật thi hành án (THA). Các vấn đề về thống nhất quản lý nhà nước về THA, xây dựng lực lượng cảnh sát tư pháp, xã hội hóa THA, về hiệu lực của Bộ luật THA... được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Bộ luật thi hành án ảnh 1

Về thống nhất quản lý nhà nước trong THA đã có hai loại ý kiến khác nhau, trong đó có loại ý kiến tán thành theo hướng giao cho Bộ Tư pháp vừa thống nhất quản lý nhà nước về THA, vừa trực tiếp tổ chức thực hiện công tác này; đồng thời thực hiện việc chuyển giao công tác thi hành án phạt tù, tử hình, trục xuất... cho Bộ Tư pháp; chuyển giao các cơ quan THA trong QĐND, CAND sang Bộ Tư pháp để trực tiếp quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Về xã hội hóa công tác THA, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này cần gắn với yêu cầu không làm tăng thêm biên chế, bộ máy của cơ quan THA. Trong dự thảo Bộ luật lần này cũng cần quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc THA...  

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cho rằng việc tổ chức THA liệu có nên tập trung vào một cơ quan Nhà nước? Hoặc có nên có lực lượng cảnh sát vũ trang hay không cho những người đang công tác tại các trại giam?

Theo ông, đây là vấn đề cần thiết phải làm do đặc thù của công việc này. Về cảnh sát tư pháp, ông cho rằng chúng ta hiện chưa có những nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này, như chức năng, nhiệm vụ, bản chất  của lực lượng này ra sao... trước khi đưa vào thực hiện.

Đại biểu Võ Minh Phương (đoàn Lâm Đồng) lại cho ý kiến về chức danh của những đang quản lý trại giam, tiến trình THA, cơ cấu Hội đồng THA án tử hình... nên giải quyết ra sao cho hợp lý, đúng pháp luật. Về hiệu lực thi hành của dự án Luật, ông cho rằng QH tại kỳ họp này chỉ nên thông qua một số nội dung lớn, cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi thông qua toàn bộ dự án Luật nói trên.

Về quản lý nhà nước trong THA, nếu chỉ giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý là điều chưa thật hợp lý là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Dũng (đoàn Kon Tum). Còn về cảnh sát tư pháp, theo ông đây là lực lượng chuyên về nhiệm vụ... tư pháp (khác với cảnh sát bảo vệ) trong THA, do vậy, quy định nhiệm của lực lượng này như trong dự án Luật là hợp lý và có thể chấp nhận được.

Xã hội hóa công tác THA là một chủ trương rất đúng, tuy nhiên việc nêu chủ trương này trong dự án Luật lại chưa thực sự đúng tầm, cần thể hiện rõ hơn nữa là phát biểu của đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An). Ông còn cho rằng lực lượng cảnh sát tư pháp nên là lực lượng cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Tư pháp quản lý để chuyên về thực hiện công tác tư pháp (không nhất thiết phải nằm trong Bộ Công an) như dự án Luật đã nêu...

Chiều nay tại Hội trường 37 Hùng Vương, các đại biểu QH sẽ chuyển sang thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng.

(Theo Hà Nội mới)

Tin cùng chuyên mục