Quốc hội tranh luận về thẩm quyền công bố dịch

Sáng nay, 28-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thú y.
Quốc hội tranh luận về thẩm quyền công bố dịch

(SGGPO). – Sáng nay, 28-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thú y.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thú y (gồm 7 Chương, 121 Điều). Theo tờ trình của Chính phủ, về công bố dịch, để chủ động và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật được khẩn trương kịp thời, dự thảo Luật quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp từ tỉnh đến xã, tùy theo mức độ phát sinh dịch khi có ổ dịch thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra; có kết luận chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh.

 

 Cũng trong phiên họp sáng nay, 28-11, với đa số tán thành, QH đã phê chuẩn hai công ước quan trọng. Đó là Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật.

ANH PHƯƠNG

 

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã công bố trên địa bàn xã. Khi có dịch bệnh từ 2 xã trở lên, Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch trên địa bàn cấp huyện. Khi dịch xảy ra từ 2 huyện trở lên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch. Nếu địa phương không công bố dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sẽ công bố thông tin dịch bệnh trên địa bàn.

Về kiểm dịch động vật, dự thảo Luật đã tách riêng làm hai mục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định nguyên tắc kiểm dịch động vật, không còn dựa trên “số lượng lớn, khối lượng lớn” như Pháp lệnh năm 2004 đã quy định, mà đã có quy định theo hướng mở, thông thoáng trong lưu thông động vật, sản phẩm động vật.

Theo đó, việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật sẽ được kiểm soát theo mối nguy như động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở đã được phòng bệnh bằng vaccine hoặc từ cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh của cơ quan thú y, khi vận chuyển ra khỏi tỉnh chủ cơ sở chỉ cần thông báo cho cơ quan thú y để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày làm việc.

Thảo luận về luật này, các ĐBQH tán thành có luật Thú y bởi tình trạng lây bệnh truyền nhiễm từ đông vật sang người là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn tranh luận khác nhau thẩm quyển công bố dịch cũng như việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) luật chưa có những quy định chặt chẽ về việc phòng chống lây bệnh truyền nhiễm từ đông vật sang người.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định về chăm sóc, chữa bệnh động vật vào luật vì thực tiễn diễn ra nhiều, để xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người hành nghề cũng như chủ vật nuôi.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM). Ảnh: Lã Anh

 

 Chiều nay, 28-11, bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIII

Sau hơn 1 tháng làm việc, chiều nay, 28-11, kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIII sẽ bế mạc. Phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho toàn thể cử tri cả nước theo dõi.

Trong phiên bế mạc chiều nay, trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề; biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (nếu có).

Dự kiến chiều nay Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, bãi bỏ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong nội tỉnh là không phù hợp. “Nhờ thực hiện tốt quy định này mà TPHCM thực hiện tốt được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong thời gian qua, hạn chế được dịch bệnh. Trong tình hình hiện nay, không nên bỏ quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nội tỉnh để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc theo quy định, hạn chế sự lây lan bệnh truyền nhiễm nếu  động vật, sản phẩm động vật mang bệnh. Việt Nam vẫn còn phương thức chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển nhỏ lẻ nên không thể bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh”, ĐB Thúy đề nghị.

Cũng theo ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An), có bỏ kiểm dịch động vật trong nội tỉnh hay không thì cần cân nhắc thêm. ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho rằng, luật dự định bỏ các trạm kiểm dịch theo đầu mối giao thông. “Đề nghị có rà soát, báo cáo về hệ thống kiểm dịch theo đầu mối giao thông, nếu không hiệu quả thì đồng ý bãi bỏ”, bà Nga nói.

Vấn đề thẩm quyền công bố dịch cũng còn nhiều ý kiến tranh luận. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và một số ĐB khác cho rằng,  thẩm quyền công bố dịch nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh. ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cũng tán thành giao thẩm quyền công bố dịch cho cấp tỉnh. Vì nếu giao cho cấp xã, cấp huyện sẽ phải qua nhiều khâu hành chính, không bảo đảm kịp thời. Tỉnh công bố vừa nhanh, vừa huy động được nguồn lực.

ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên). Ảnh: Lã Anh

ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) lại cho rằng, công bố dịch thì phải có kết luận chính xác về bệnh, tức là phải có cán bộ chuyên sâu. Như vậy, xã thì không thể đủ năng lực, nguồn lực mà công bố, trong khi ở xã chăn nuôi rất nhiều, khó thực hiện việc cách ly. Vì vậy, đề nghị giao cho cấp huyện phối hợp với các xã để công bố dịch, còn nếu giao cấp tỉnh thì lại “xa” quá.

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đã đề nghị dừng dự án trên núi Hải Vân

 Sáng nay, 28-11, bên hàng lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra và gửi báo cáo lên Chính phủ, đề nghị dừng dự án du lịch nghỉ dưỡng World Shine trên núi Hải Vân mà tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp phép.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ khi tổ chức kiểm tra địa điểm thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế này là tạo điều kiện tối đa, khuyến khích, thu hút hoạt động đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Các dự án kinh tế hiện nay cũng khá phổ biến việc có vùng “giao thoa” với địa bàn kiểm soát về quốc phòng an ninh. Quan điểm là các cơ quan chức năng cần cân nhắc hết sức có thể để hỗ trợ phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, với World Shine, địa điểm triển khai dự án được xác định là vị trí ảnh hưởng lớn đến quốc phòng an ninh nên Bộ Quốc phòng đã nêu quan điểm đề nghị dừng” – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.

Kết quả kiểm tra đã được Bộ Quốc phòng làm văn bản, báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ cũng xác nhận đã nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề này, sau khi Thủ tướng có ý kiến sẽ thông tin cụ thể.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế được cấp phép xây dựng trên diện tích 200ha tại khu vực núi Hải Vân kéo dài ra mũi Cửa Khẻm với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỷ đồng) với thời hạn 50 năm, do Công ty cổ phần Thế Diệu làm chủ đầu tư. Sau khi cấp phép và nhà đầu tư bắt đầu triển khai thực hiện dự án, UBND TP Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng nhiều tướng lĩnh quân đội phản đối việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng dự án ngay vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, đe dọa đến an ninh quốc phòng vịnh Đà Nẵng.

PHAN THẢO

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục