Quy định pháp luật về kinh doanh thực phẩm chức năng

Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm đồ ăn, thức uống dưới dạng viên nén, dạng nước, dạng bột... với tên gọi thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe của con người. Nhiều bạn đọc đề nghị Báo SGGP cung cấp thông tin quy định pháp luật về kinh doanh TPCN.

Theo quy định tại Khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, TPCN được hiểu là “thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học”. Mặc dù một số loại TPCN có công dụng hỗ trợ sức khỏe người bệnh trong thời gian điều trị nhưng đây không phải là thuốc và không có công dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Do đó, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mặt hàng TPCN phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc kinh doanh TPCN cũng có những điều kiện riêng biệt.

Ngành nghề kinh doanh TPCN theo Luật Doanh nghiệp 2014 là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ Y tế. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TPCN cần đáp ứng 4 nhóm điều kiện gồm: nhóm điều kiện về cơ sở kinh doanh; nhóm điều kiện về trang thiết bị dụng cụ; nhóm điều kiện về người trực tiếp kinh doanh và nhóm điều kiện về việc bảo quản TPCN. Đối với 2 nhóm điều kiện về cơ sở kinh doanh và trang thiết bị dụng cụ, doanh nghiệp cần đảm bảo có cơ sở kinh doanh được xây dựng đạt yêu cầu về việc bảo quản TPCN, có trang thiết bị dụng cụ đạt yêu cầu trong việc trưng bày và bảo quản sản phẩm. Đối với người trực tiếp kinh doanh TPCN, điều kiện được đặt ra là phải đảm bảo về sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh không được tiếp xúc với TPCN; phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được cấp giấy xác nhận tập huấn. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh phải sử dụng các biển báo, chất bảo quản, thiết bị giám sát… phù hợp các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cho việc bảo quản thực phẩm ổn định lâu dài.

Ngoài các điều kiện được nêu ở trên, doanh nghiệp kinh doanh TPCN trong nước và nhập khẩu cần quan tâm đến các quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và Thông tư 43/2014/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, quy định về quản lý TPCN. Đối với TPCN được sản xuất trong nước, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này phải tiến hành công bố hợp quy đối với các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền quy định. Trường hợp chưa có các quy chuẩn kỹ thuật liên quan thì doanh nghiệp kinh doanh TPCN phải tiến hành thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nếu TPCN lần đầu tiên đưa ra thị trường hoặc có công dụng mới chưa được kiểm chứng, doanh nghiệp cần tiếp tục tiến hành thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm. Trong trường hợp TPCN nhập khẩu, ngoài việc đáp ứng các điều kiện như sản phẩm sản xuất trong nước, doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu; phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định và phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục