Quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu

Chiều 28-10, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Phan Trung Lý trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân, QH đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp công dân. Dự thảo luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp trước và được chỉnh lý để trình QH thông qua tại kỳ họp này. Báo cáo tiếp thu cho rằng, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC).
Quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu

* Trong quý 4 đưa ra xét xử các vụ án Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên

(SGGP). – Chiều 28-10, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Phan Trung Lý trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp công dân, QH đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp công dân. Dự thảo luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp trước và được chỉnh lý để trình QH thông qua tại kỳ họp này. Báo cáo tiếp thu cho rằng, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC).

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật lần này đã nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu (luật có 1 chương quy định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị tiếp công dân theo định kỳ và cả đột xuất).

Quy trình tiếp công dân đòi hỏi phải cụ thể từ tiếp nhận đến theo dõi kết quả giải quyết. Ảnh minh họa: Việt Dũng

Quy trình tiếp công dân đòi hỏi phải cụ thể từ tiếp nhận đến theo dõi kết quả giải quyết. Ảnh minh họa: Việt Dũng

Thảo luận về dự án luật này, hầu hết các ý kiến đều nhất trí ban hành luật để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, cơ sở để giải quyết tốt KNTC của công dân, hạn chế những khiếu kiện vượt cấp. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm cán bộ giải quyết KNTC không được đùn đẩy trách nhiệm; cấm công dân mang chất cháy nổ đến chỗ tiếp công dân vì thực tế đã xảy ra. Đặc biệt, trách nhiệm của những người làm công tác tiếp công dân được các ĐBQH tập trung nhấn mạnh, như ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và nhiều ĐB khác đều khẳng định, tiếp công dân nếu làm tốt sẽ giảm được đơn thư và KNTC vượt cấp.

“Cần quy định rõ trách nhiệm của những người liên quan đến tiếp công dân, xử lý khiếu nại của công dân. UBND xã cần có phòng tiếp công dân, cũng như quy định về trách nhiệm tiếp công dân của chủ tịch xã”, ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) nhấn mạnh và cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tiếp công dân, cũng như có chế tài đối với người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu được các ĐBQH cho rằng phải làm rõ. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, cho rằng luật quy định công bố 5 ngày trước khi có lịch tiếp công dân.

Trong trường hợp người đứng đầu không thể tiếp công dân thì cần thông báo lại lịch, không nên để cấp phó tiếp. “Thực tế có những người đứng đầu cả tháng không tiếp công dân ngày nào, dù luật quy định ít nhất là 2 ngày, vì vậy luật cần quy định rõ điều này”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu quan điểm.

Về trách nhiệm tiếp công dân của ĐBQH, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng cần quy định cụ thể người đại diện của ĐBQH tiếp nhận KNTC của công dân, không nên kéo dài thời gian mà quy định trong vòng 7 ngày, ĐBQH phải tiếp công dân sau khi nhận được đề nghị từ công dân. ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nói cũng cần bổ sung rõ trách nhiệm của ĐBQH về tiếp công dân vì thực tế có nhiều người né tránh, khiến dân bức xúc.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng cho rằng, luật phải quy định rõ trách nhiệm tiếp công dân của ĐBQH. “Cần quy định ĐBQH không tiếp được thì cử người đại diện cũng là ĐBQH tiếp, hoặc hẹn lịch tiếp công dân. Nhưng cũng tránh hẹn nhiều lần, để nhân dân không mất lòng tin”, ĐB Nguyễn Thị Khá phát biểu. Còn ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) đề nghị cần quy định rõ ràng trường hợp nào tiếp trực tiếp, trường hợp nào trả lời bằng văn bản đối với KNTC của công dân.

Trong chiều 28-10, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Một nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là sẽ mở rộng đối tượng xét cho thường trú đối với người nước ngoài là nhà khoa học và chuyên gia giỏi đang tạm trú tại Việt Nam nhằm thu hút nhân tài phục vụ xây dựng đất nước và người nước ngoài không có giấy tờ chứng minh quốc tịch đang tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000, nhằm phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng và tạo tiền đề cho những người này xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch, hạn chế tình trạng người không quốc tịch ở nước ta.

PHAN THẢO

Lo ngại về sự xuống cấp đạo đức xã hội

(SGGP). - Ngày 28-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Bộ Công an đã tiếp nhận 98.945 tố giác, tin báo tội phạm, tăng 30,54% so với năm 2012. Hầu hết tin báo đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 90,5%, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 37. Cơ quan điều tra các cấp đã chỉ đạo chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm mà dư luận quan tâm, rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013 có nhiều yếu tố tác động làm gia tăng tội phạm, nhưng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ ngành địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm nên tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế. Tỷ lệ gia tăng tội phạm giảm hẳn so với năm 2012. Mặc dù vậy, Chính phủ cũng nhận định, tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn.

Một số tội phạm như giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ... có giảm, nhưng tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn. Tình trạng sát hại người thân trong gia đình xảy ra nhiều, chứng tỏ sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động. Trong khi đó, tội phạm đánh bạc tăng. Tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet ngày càng tinh vi. Tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế cũng tăng, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng...

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ Công an cũng đã tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, đề nghị truy tố vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 23 bị can; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm 8 bị can; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam gồm 4 bị can và vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài gồm 7 bị can; các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... tại Công ty Cho thuê tài chính 2 gồm 23 bị can. Liên ngành tư pháp Trung ương đã thống nhất đưa ra xét xử các vụ án trên trong quý 4-2013.

ANH THƯ


Phát hiện tham nhũng, xử lý càng nhanh càng tốt

Đó là quan điểm mà Trung tướng Trần Văn Độ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương phát biểu với báo giới bên hành lang phiên họp của Quốc hội ngày 28-10 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật.

* Phóng viên: Thưa ông, nhiều cử tri và ĐBQH đã bày tỏ bức xúc về việc xử lý 10 “đại án tham nhũng”, bị kéo dài năm này qua năm khác...

* Ông TRẦN VĂN ĐỘ: Về khách quan, đó là những vụ án nghiêm trọng, phức tạp nên quá trình điều tra, truy tố mất nhiều thời gian, đặc biệt có những vụ án có rất nhiều bị can, mà xử lý phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trách nhiệm chứng minh tội hình sự thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, do đó phải thận trọng.

* Tại nhiều địa phương có khi cả năm chỉ xử được 1 - 2 vụ tham nhũng. Ông có bình luận gì về con số này?

* Tôi không rõ kết quả phát hiện cụ thể như thế nào, nhưng 100% số vụ án hình sự được cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát chuyển thì tòa đều thụ lý xét xử cả. Vấn đề ở đây có lẽ phải nâng cao năng lực khởi tố điều tra. Tôi nghĩ không chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng, mà cả xã hội và báo chí cũng có công sức lớn và cần phát huy trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện các vụ tham nhũng để cơ quan điều tra, truy tố vào cuộc để đưa được các vụ án ra xét xử.

* Theo các báo cáo vừa được trình Quốc hội, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng là rất nhỏ. Ông nghĩ sao?

* Khi vụ việc tham nhũng phát hiện thì hành vi đã xảy ra tương đối dài; tài sản bị tẩu tán hoặc chi tiêu hoang phí mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh, truy nguyên hết được. Cho nên khi phát hiện vụ án tham nhũng thì càng xử lý nhanh càng tốt. Thông thường trình tự xử lý án tham nhũng của ta là phải thanh tra, kiểm tra xong chuyển sang quy tội - xét xử mà trong thời gian đó không tránh khỏi việc những người có hành vi phạm tội có hành vi tẩu tán tài sản.

* Ông có cho là tham nhũng hiện đã có phần giảm bớt?

* Tình hình tham nhũng, như Quốc hội đã đánh giá, vẫn hết sức phức tạp. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nỗ lực, nhưng chắc chắn vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực thêm nữa.

* Cảm ơn ông!

ANH THƯ ghi


Ngành công an phải chịu trách nhiệm nơi tội phạm hoành hành

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội sáng 28-10, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Trao đổi thêm với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ nói:

Trong năm 2013, vấn đề tội phạm ở nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thị trường thì tình hình có nhiều phức tạp, nhất là những băng nhóm tội phạm mang tính chất xã hội đen, ma túy, tội phạm ở tuổi vị thành niên, chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp cần phải được quan tâm đặc biệt.

Quan điểm của Chính phủ là phải xử lý nghiêm, kiên quyết, tiến công liên tục và chống các hình thức bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp, mọi ngành. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương mà trước hết là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và chính quyền. Trên tinh thần đó, chúng ta liên tiếp mở nhiều đợt tấn công tội phạm ở nhiều góc độ khác nhau một cách quyết liệt, đồng bộ hơn nữa nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, sự an tâm cho người dân.

Chính phủ cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nếu xảy ra phạm pháp phải tổ chức các lực lượng truy bắt đến cùng, uy hiếp, răn đe để tội phạm chùn tay, không dám hành động để đảm bảo bình yên của du khách gần xa cũng như của nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo là phải làm nghiêm túc vấn đề này.

HÀ MY ghi

Tin cùng chuyên mục