Không khác với 2 lần giao lưu trực tuyến đã được tổ chức trước đây, tại cuộc giao lưu hôm qua, 20-9, hàng ngàn câu hỏi đã được gửi qua Internet đến Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và các sở TN-MT trên toàn quốc. Mặc dù chủ đề chính của cuộc giao lưu là về tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, song nội dung các câu hỏi được gửi đến rất đa dạng, bao gồm cả tranh chấp đất đai, cấp sổ đỏ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, các loại phế liệu được phép nhập khẩu...
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, từ đầu tháng 8 vừa qua, bộ đã yêu cầu các tỉnh, thành rà soát tình hình thực hiện quy hoạch, dự án để báo cáo bộ trước ngày 25-9. Bộ TN-MT cũng sẽ cử các đoàn thanh tra đến một số địa bàn trọng điểm để nắm tình hình thực tế. Từ các kênh thông tin chính thức ở địa phương và các đoàn kiểm tra cũng như của người dân – mà cuộc giao lưu này là một đầu mối tiếp nhận quan trọng – trước tháng 10, bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và đề xuất hướng giải quyết, kể cả việc điều chỉnh một số quy định pháp luật trong trường hợp thật sự cần thiết. Đây là một nỗ lực nhằm đạt mục đích đến tháng 6-2007 xử lý cơ bản tình trạng “quy hoạch treo, dự án treo”.
Bên lề cuộc giao lưu, trả lời phỏng vấn của PV báo SGGP, Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ nhận định, sự lúng túng của một số đô thị trong việc khớp nối giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng (trong nhiều trường hợp bị lẫn lộn) là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả thực tế không cao của sản phẩm quy hoạch.
“Tuy nhiên, tình trạng phổ biến hơn là dự án treo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Xây không được xây (hoặc phải xây rất hạn chế), bán đi cũng khó, vì thế họ luôn phấp phỏng từng ngày”, ông nói. Cũng phải nhìn nhận rất rõ một thực tế khác là độ “phủ” của quy hoạch trên toàn quốc hiện nay còn rất thấp: mới chỉ có 50% quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp quận, huyện được phê duyệt, cấp xã phường còn thấp hơn: chỉ 40%.
Trao đổi thêm về tình hình giải quyết các thắc mắc và kiến nghị của người dân qua các cuộc giao lưu trực tuyến trước, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết, tất cả những phản ánh về thiếu sót trong chính sách pháp luật về đất đai, sai phạm trong vận dụng chính sách đất đai đều đã được Bộ TN-MT chuyển đến đúng địa chỉ và đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Thứ trưởng, số tồn lại chủ yếu là những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai thì buộc phải giải quyết theo trình tự khác ở các cơ quan chức năng khác.
Được biết, tới đây Bộ TN-MT sẽ giao cho một nhóm chuyên gia chuyên trách việc tập hợp và trả lời về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ để đảm bảo có sự phản hồi kịp thời và thường xuyên hơn cho người dân, chứ không đợi vài tháng mới tổ chức giao lưu trực tuyến một lần nữa.
Phần mềm giao lưu trực tuyến đã được Bộ chuyển giao để các sở tổ chức tiếp nhận và giải đáp thắc mắc cho công dân trên địa bàn mình qua Internet. Vừa qua, TPHCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện tốt công tác này. Lãnh đạo bộ còn mong muốn hoạt động này được “nhân rộng” đến tận các phòng TN-MT quận, huyện.
Đến cuối ngày 20-9, với tổng số 724 câu hỏi nhận được, Bộ TN-MT đã giao cho các đơn vị trả lời gần 400 câu, 73 câu đã được đưa lên mạng. Như vậy, qua 3 lần giao lưu trực tuyến, Bộ TN-MT đã nhận được gần 4.600 câu hỏi và ý kiến đóng góp, hơn 1.600 câu đã được trả lời và đưa lên mạng được 923 câu. |
ANH THƯ