Năm 2006

Quyết liệt chống lãng phí trong sử dụng đất và xe công

Quyết liệt chống lãng phí trong sử dụng đất và xe công

Đất công và xe công sẽ phải được sử dụng hiệu quả hơn trong năm 2006. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đã nhận định như vậy về cuộc chiến chống lãng phí, được nhìn nhận là sẽ thực sự “nóng” trong năm 2006 khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực thi hành...

  • Thu hồi đất công sử dụng sai mục đích: Còn khó khăn
Quyết liệt chống lãng phí trong sử dụng đất và xe công ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá

- PV: Ông có thể cho biết hiện trạng sử dụng đất công hiện nay?

- Thứ trưởng TRẦN VĂN TÁ:
Theo quy định hiện hành thì không có quy định về đất công. Trên thực tế, khái niệm đất công có thể được hiểu là đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê.

Từ kết quả kiểm kê tài sản ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cho thấy: nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng trụ sở không đúng mục đích như cho thuê, cho mượn, phục vụ kinh doanh... thậm chí có cơ quan, đơn vị giữ đất mà không sử dụng đến, để hoang hóa. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã có nhiều quyết định thu hồi đất xử lý các trường hợp vi phạm và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định ở TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

- Theo đánh giá của dư luận, tình trạng lãng phí trong sử dụng đất công diễn ra ở nhiều nơi nhưng việc thu hồi vẫn chưa có hiệu quả cao?

- Đúng vậy! Việc thu hồi, xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Việc thu hồi các cơ sở nhà đất của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đều căn cứ quy hoạch và đề xuất của các cơ quan chức năng như: tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc, xây dựng.

- Được biết, trong quý 1 năm 2006, Quy chế quản lý, sử dụng nhà công vụ sẽ được áp dụng. Ông có thể cho biết những điểm mới của quy chế này?

- Để triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Quy chế về quản lý và sử dụng nhà công vụ. Nội dung chủ yếu của quy chế này là nhằm điều chỉnh đối với loại nhà công vụ được xây dựng và bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức ở trong thời gian được điều động, luân chuyển đến nơi công tác mới xa nơi ở; quy định về đầu tư xây dựng, quản lý nhà công vụ; quy định cụ thể trách nhiệm, cán bộ, công chức trong việc hoàn trả nhà công vụ khi không còn trách nhiệm công vụ.

  • Thứ trưởng trở xuống sẽ không còn xe riêng: Có khả thi?

- Thưa ông, tại sao trong Kế hoạch hành động năm 2006 của Chính phủ triển khai Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lại đưa ra phương thức thuê của doanh nghiệp và khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn đi xe công?

- Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại phục vụ cho công việc, nhất là ô tô con ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí; tình trạng sử dụng không đúng mục đích còn phổ biến. Trước thực tế đó, cần phải đổi mới cơ chế trang bị và sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan, đơn vị theo 2 phương thức: thuê của doanh nghiệp và khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn để quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng đề án thí điểm cơ chế sử dụng phương tiện đi lại theo 2 phương thức trên. Qua khảo sát thực tế bước đầu ở một số cơ quan, đơn vị cho thấy, việc áp dụng 2 phương thức trên hoàn toàn có tính khả thi và có thể áp dụng từ cấp thứ trưởng trở xuống. Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả thì cần có bước làm thí điểm để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế trước khi áp dụng rộng rãi ở các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức nhà nước.

- Thưa ông, nếu áp dụng từ cấp thứ trưởng trở xuống thì liệu có khả thi không?

- Việc khoán kinh phí cho người sử dụng phương tiện đi lại trong giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện trước hết với các cơ quan, tổ chức có đăng ký. Trước khi đăng ký, các cơ quan đó phải có sự bàn bạc dân chủ và thống nhất trong nội bộ của mình, được sự đồng thuận của người có tiêu chuẩn sử dụng xe. Qua khảo sát của chúng tôi, nhiều đồng chí cấp thứ trưởng đồng tình, ủng hộ việc làm thí điểm. Vì vậy, chúng tôi tin vào tính khả thi của phương thức này cũng như đối với khoán chi hành chính.

- Nếu thực hiện thì những xe đã mua sẽ xử lý thế nào?

- Đối với xe đã mua và đang sử dụng, có thể xử lý theo các phương án như: bán số xe đã mua cho các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hoặc dùng để góp vốn với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đối với từng trường hợp cụ thể, sẽ áp dụng linh hoạt một hoặc cả hai phương án này để đảm bảo hiệu quả, không gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước.

- Bộ căn cứ vào đâu để khoán kinh phí cho người sử dụng và nếu không sử dụng hết thì sẽ như thế nào?

- Việc xác định mức kinh phí khoán sẽ được căn cứ vào nhiều yếu tố như: định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại, nhu cầu thực tế sử dụng phương tiện trong một số năm qua ở đơn vị thực hiện khoán và giá cả dịch vụ thuê phương tiện đi lại trên thị trường. Với các yếu tố đó, mức kinh phí khoán sẽ sát với yêu cầu thực tế trong công tác, đảm bảo sử dụng kinh phí hiệu quả và không ảnh hưởng đến hoạt động công vụ. Kinh phí khoán không sử dụng hết do tiết kiệm được sẽ thuộc về người nhận khoán.

- Xin cám ơn ông.

NGỌC QUANG thực hiện
 

Tin cùng chuyên mục