Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp

Ngày 11-3, Bộ Công thương đã có chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước diễn biến mới của dịch Covid-19, nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Tổng Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường
Tổng Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu: Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đề nghị các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương). 

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, nhất là đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. 

Đối với công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; cắt giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực “chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá”; giao Cục Công nghiệp chủ trì phương án tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước để Bộ Công thương báo cáo Chính phủ trong tháng 3 này; phối hợp với các địa phương, đề xuất biện pháp phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước...

Chiều 11-3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19. Cụ thể, với doanh nghiệp, thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 3 chậm nhất là ngày 20-9; tháng 4 là ngày 20-10; tháng 5 là ngày 20-11; tháng 6 là ngày 20-12; quý 1-2020 là ngày 30-9; quý 2 là ngày 30-12. Như vậy, với các mốc thời gian trên, các doanh nghiệp được gia hạn 5 tháng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6, số thu ngân sách các tháng đó giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31-12.

Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 trước ngày 15-12. Dự kiến, số thuế được gia hạn khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu ngân sách năm 2020 của nhóm này không giảm do phải nộp vào ngân sách trước ngày 15-12.

Đối với tiền thuê đất, theo quy định hiện hành, thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 2 kỳ (kỳ 1 trước ngày 31-5, kỳ 2 trước ngày 31-10), Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng kể từ ngày phải nộp tiền thuê đất của kỳ 1. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách cũng không giảm do doanh nghiệp hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào ngân sách trước ngày 31-10.

Tin cùng chuyên mục