
Một đoàn du khách Nhật sau chuyến tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ (RNMCG) đã bất ngờ bởi một thành phố sầm uất như TPHCM lại sở hữu một khu dự trữ sinh quyển tuyệt vời đến thế. Có điều, khi đi trên con đường “to đùng” đang thi công chạy xuyên qua cánh rừng, họ khuyên: “Nếu các bạn không biết giữ thì rừng sẽ mất”. Vì sao họ nói như vậy?
- Ưu thế nổi bật của RNMCG
Hiện nay, RNMCG có trên 30.000ha, chiếm 17% diện tích tự nhiên của toàn thành phố và 46% diện tích của huyện Cần Giờ. Năm 2000, RNMCG được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) đầu tiên ở Việt Nam, trở thành thành viên thứ 368 của mạng dự trữ sinh quyển quốc tế thuộc 97 quốc gia. Đến tháng 7-2002, RNMCG tiếp tục được Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Orgnaization) công nhận là “Khu du lịch sinh thái bền vững nhất thế giới” (1 trong 65 khu được thế giới công nhận).

Theo Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB), RNMCG được xem là khu rừng phục hồi đẹp nhất Đông Nam Á, đặc biệt còn rất ít trên thế giới. Rừng ngập mặn ở đây có những tổ hợp gen đặc biệt có thể sống và phát triển tốt trong điều kiện nước mặn, ngập nước triều mà các loại cây khác không thể sống được. Tuy là rừng trồng nhưng RNMCG đạt được hệ sinh thái giống như rừng tự nhiên. Ở miền Nam Thái Lan cũng có rừng ngập mặn Ranong nhưng chỉ được công nhận là khu dự trữ sinh quyển rừng ven biển.
Ở Việt Nam còn có 3 KDTSQTG khác nhưng không phải là rừng thuần ngập mặn như Cần Giờ. Cảnh quan rừng ngập mặn bây giờ phong phú, đa dạng như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, “lá phổi xanh” của TPHCM. Một ưu thế nữa là RNMCG nằm trong một thành phố công nghiệp, đông dân cư, thuận lợi để phát triển du lịch, giáo dục, hợp tác quốc tế cũng dễ dàng hơn so với rừng ngập mặn ở Cà Mau và nhiều nơi khác.
- Báo động những nguy cơ
Số liệu trong hội thảo “Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững rừng ngập mặn Cần Giờ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức gần đây cho thấy tại Cần Giờ cây từ 19-27 tuổi chiếm khoảng 75% diện tích; Giai đoạn từ năm 1978 đến 1984 phát triển rừng đước trên các vùng đất phù hợp; Từ năm 1990 về sau, trồng rừng với những vùng đất ít phù hợp với cây đước trên những diện tích nhỏ và phân tán; Năm 1986 bắt đầu tiến hành tỉa thưa nhằm tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển, nhưng đến tháng 6-1999, UBND TPHCM đã ban hành quyết định nghiêm cấm tỉa thưa rừng phòng hộ Cần Giờ.
Theo kỹ sư Vạn Long Trà (Ban quản lý RNMCG), về mặt khoa học, việc nghiêm cấm tỉa thưa là không hợp lý. Do không tỉa thưa nên chất lượng rừng có chiều hướng giảm vì cạnh tranh không gian dinh dưỡng và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Chiều cao của cây quá cao, đường kính thân cây không cân đối, tán cây nhỏ không đủ để quang hợp, ánh sáng mặt trời không lọt xuống sàn rừng.
Bên cạnh đó, hiện nay lượng tàu bè vào cảng Sài Gòn nhiều nên gây xói lở ven bờ, khói thải làm ảnh hưởng đến môi sinh… Nhiều hộ dân vẫn còn sinh sống, sản xuất trong rừng cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy và nguồn nước, tạo ra dịch bệnh cho cây. Hiện nay đã xuất hiện sâu bệnh hại cây rừng như sâu ăn lá nấm trắng, sâu đục thân làm cho cây sinh trưởng chậm và chết sau đó, khi cây chết thì mối tấn công.
Nhiều ý kiến cho rằng, con đường Rừng Sác hiện nay không cần làm lớn như vậy bởi mật độ giao thông ở đây thấp vì cách trở bến phà. Mà con đường rộng từ 4-6 làn xe này đã “nuốt” khoảng 44,34ha rừng, trong đó 35,56ha để làm đường và 8,78ha để xây cầu. Việc xây dựng tuyến đường quá lớn cũng có tác động xấu đến cây rừng như ngăn cản dòng chảy ở một số nơi, làm hạn chế nước triều ngập vào rừng.
Trong quá trình xây dựng cũng gây ra bụi bặm làm ô nhiễm không khí. Ngày xưa, khi chưa có con đường chạy dài từ phía Bắc đến phía Nam như hiện nay thì hệ sinh thái rừng chỉ có một, bây giờ phân thành 2 khu rõ rệt (trong sinh thái gọi là cách ly địa lý) nên hệ sinh thái cũng có phần khác nhau, làm giảm độ tươi mát dinh dưỡng của đất. Đường quá rộng, chuột, ếch, nhái… cũng hạn chế qua lại.
- Bây giờ rừng cần gì?
Theo thạc sĩ Lê Đức Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM), khác với rừng thiên nhiên có thể tự tỉa thưa tự nhiên, đây là rừng trồng nên biện pháp lâm sinh để tái tạo và phát triển rừng là cần thiết. Thạc sĩ Tuấn ước tính mỗi năm mất khoảng 10 tỷ đồng tiền gỗ bỏ trong rừng không khai thác, trong khi hàng năm thành phố phải bỏ ra tiền tỷ để bảo vệ rừng.
Tổ chức Con người và Sinh quyển Thế giới thông qua vệ tinh 24/24 giờ nên biết được những vạt rừng bị ảnh hưởng và đã nhiều lần “hỏi thăm” rừng có vấn đề gì không? Thành phố phát triển kinh tế về biển Đông là tốt, tuy nhiên phải có sự đồng bộ, phải có quy hoạch về giao thông, khu dân cư… nếu không sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh thái của rừng. Cần Giờ cần phát huy hai mảng tạo ra giá trị xã hội lớn nhất đó là du lịch sinh thái và nguồn lợi thủy sản.
Nên chăng có một chương trình bảo vệ và phát triển nuôi trồng thủy sản “sạch”, rồi đăng ký logo quốc tế (gắn với khu dự trữ sinh quyển)? Nếu làm vậy nguồn thủy sản nơi đây chắc chắn sẽ “có giá”, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Nếu chúng ta không cùng ra sức bảo vệ, nâng niu, chúng ta sẽ phải trả giá, đó là nguy cơ mất đi một di sản thiên nhiên thế giới trong tương lai và không bao giờ có lại được – một nguy cơ mất vĩnh cửu.
Chức năng khu dự trữ sinh quyển |
4 KDTSQTG Việt Nam được UNESCO công nhận |
NGUYỄN TẤN VIỆT