Họ gồm các nhà văn, nhà thơ: Minh Quân, Phương Đài, Lê Giang, Vũ Thị Thường, Đỗ Thị Thanh Bình, Tôn Nữ Hỷ Khương, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Thùy An, Kim Hài, Đặng Nguyệt Anh và Trần Thị Thắng. Nhà văn Minh Quân và nhà thơ Phương Đài đã trở thành người thiên cổ, các nhà văn, nhà thơ còn lại cũng đều đã lớn tuổi. Lớn tuổi nhất là nhà văn Vũ Thị Thường và nhà thơ Lê Giang - cùng tuổi 88; nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và nhà văn Trần Thị Thắng ít tuổi nhất - cũng đã ở tuổi 70.
Sinh ra tại những vùng quê khác nhau nhưng 12 nữ nhà văn, nhà thơ đã có duyên hội ngộ cùng nhau tại TPHCM, trở thành hội viên của Hội Nhà văn TPHCM. Bằng khả năng văn chương khác nhau, mỗi nhà văn, nhà thơ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình sáng tạo của mình. Hầu như các tác giả được giới thiệu trong tập sách đều đã khẳng định được tên tuổi của mình và đạt được những thành tựu không nhỏ, trở thành tấm gương sáng về lao động chữ nghĩa. Nhà văn Minh Quân hơn nửa thế kỷ cầm bút đã xuất bản hơn 40 đầu sách, vừa truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, truyện dịch và thơ. Nhà văn Vũ Thị Thường có một bề dày đóng góp cho nền văn học Việt Nam.
Năm 2007, bà nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà thơ Lê Giang là tác giả của hơn 20 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau. Ở tuổi 88, bà vừa ra mắt tác phẩm Bỏ qua rất uổng (NXB Trẻ), cho thấy sức sáng tạo bền bỉ và mãnh liệt của bà. Hai nhà văn Thùy An và Kim Hài lại được biết đến là những nhà văn của tuổi thơ; từ những năm 1970 thế kỷ trước, cả hai đều có sách in ở NXB Tuổi Hoa. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết nhiều thể loại, nhưng gây ấn tượng nhất là ký sự nhân vật với nhiều đầu sách gây tiếng vang, được tái bản nhiều lần như: Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống; Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời…
Cuốn sách dày 350 trang, được thực hiện theo cấu trúc chung: ngoài giới thiệu sơ lược tiểu sử văn học của tác giả còn giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cùng những bài phê bình, chia sẻ từ người thân và đồng nghiệp đối với tác giả đó. Vậy nên, đến với cuốn sách đặc biệt này, ngoài hiểu thêm về những đóng góp của 12 tác giả đối với nền văn học - nghệ thuật TPHCM nói riêng, với Việt Nam nói chung, bạn đọc cũng có thể cảm nhận được sự trân trọng và công phu của những người thực hiện cuốn sách. Đặc biệt là tình cảm mà người thân, đồng nghiệp dành cho họ.
Nhà thơ Viễn Phương dành tình cảm cho thơ Phương Đài: “Thơ Phương Đài dịu dàng, chân thành, tha thiết đối với quê hương, đối với đất nước, nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc và êm dịu gợi nơi ta một niềm tin yêu cuộc sống như nhà thơ đã lặng lẽ yêu đời”.
Còn nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi lại thể hiện sự đồng điệu với nhà thơ Đặng Nguyệt Anh: “Đặng Nguyệt Anh không giấu giếm tâm hồn đa cảm, đa tình của mình trước bạn đọc. Đó chính là sự tin cậy trong sáng chị đã trao vào tay bạn đọc”. Và sao tránh khỏi cảm giác rưng rưng khi đọc những dòng chữ mà người con Lê Minh Vĩnh - con gái út của nhà văn Minh Quân viết cho mẹ của mình: “Tôi tự nghĩ mình đã may mắn khi có người “vẽ chân dung” gia đình mình, và đó là “di sản” lớn của mẹ để lại cho chúng tôi. Những câu chuyện gia đình, đối với chúng tôi là vô giá, còn đối với độc giả khác chắc không chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” vì tôi nhận ra rằng có rất nhiều bài học giáo dục trong ấy”…
Và còn rất nhiều tình cảm như vậy mà bạn đọc có thể bắt gặp trong cuốn sách Một chữ tâm rưng rưng. Đó như thể là nơi hội ngộ của những tấm lòng đẹp đẽ và tha thiết, dành cho người và dành cho đời.