Theo lão nông Nguyễn Thanh L. (khu vực 3), trước đây khu vực này có hồ điều tiết gần tràn Quy Nhơn 3, tiếp giáp đầm Thị Nại, bảo đảm thoát lũ và ngăn mặn cho hàng trăm hécta lúa. Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp thi công dự án khu đô thị mới đã đổ đất lấp cả hệ thống tiêu thoát, khiến ruộng đồng ngập úng kéo dài.
“Chưa bao giờ giữa mùa nắng nóng mà ruộng lại ngập như vậy. Mấy tháng nay, nông dân ở đây rất bức xúc và lo lắng vì ruộng đồng cứ dần bị thu hẹp, teo tóp và bỏ hoang dần”, lão nông Nguyễn Thanh L. (ở khu vực 3) lo lắng nói.
Theo ông Nguyễn Thanh L., xưa nay, để đảm bảo sản xuất của hàng trăm héc ta đất lúa nơi đây, cần duy trì 1 hồ điều tiết, tiêu thoát lũ và ngăn mặn ở khu vực gần tràn Quy Nhơn 3, tiếp giáp đầm Thị Nại. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền cho phép một doanh nghiệp đổ đất san lấp khu đô thị mới. Quá trình thi công, doanh nghiệp lấp luôn hệ thống tiêu thoát lũ, khiến ruộng đồng bị ngập úng, thiệt hại.
>>>Clip ngắn về vụ việc và phản ánh, ý kiến người dân:

Theo ông Nguyễn Thanh L., xưa nay, để đảm bảo sản xuất của hàng trăm héc ta đất lúa nơi đây, cần duy trì 1 hồ điều tiết, tiêu thoát lũ và ngăn mặn ở khu vực gần tràn Quy Nhơn 3, tiếp giáp đầm Thị Nại. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền cho phép một doanh nghiệp đổ đất san lấp khu đô thị mới. Quá trình thi công, doanh nghiệp lấp luôn hệ thống tiêu thoát lũ, khiến ruộng đồng bị ngập úng, thiệt hại.

Thiệt hại nặng nhất nằm ở khu vực 5 với khoảng 62ha lúa của gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng. “Nhiều hộ phải gieo sạ tới 3–4 lần, tốn kém công sức và chi phí; có nhà phải bơm nước suốt 25 ngày mới cứu được lúa”, ông Ng. H. ‒ chủ 6 sào lúa tại đây ‒ cho biết.
Ông Đỗ Xuân Sanh, cán bộ thủy lợi Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Bình I, thông tin: "Riêng vụ Hè Thu năm nay đã có hơn 15/62 ha lúa ở khu vực 5 buộc phải bỏ vì ngập. Bà con rất bức xúc, họ đã ký đơn tập thể nhờ tôi đại diện gửi đến các cấp, các ngành yêu cầu sớm đầu tư hệ thống tiêu thoát lũ mới để họ yên tâm sản xuất và cần bồi thường, hỗ trợ thiệt hại".

Theo phản ánh của các hộ dân, trước đây, UBND tỉnh đã quy hoạch, cấp đất doanh nghiệp thực hiện khu đô thị chồng lên hệ thống tiêu thoát lũ, chống ngập úng, ngăn mặn của họ. Vì vậy, việc doanh nghiệp thực hiện không sai, mà bất cập thiếu sót nằm ở chính quyền.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai xác nhận khu vực ngập thuộc dự án khu đô thị mới Chợ Góc (CG‑01) do Công ty TNHH Phú Gia Riverside làm chủ đầu tư. Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định (bây giờ UBND tỉnh Gia Lai) có cuộc họp, lắng nghe ý kiến các bên và đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kết luận: Khi chưa có giải pháp thoát nước mà doanh nghiệp đã lấp cầu bản 5 khoang (qua Quốc lộ 19), san nền thi công dự án đã ngăn hướng thoát lũ, tiêu úng hiện trạng làm cho khoảng 60ha đất lúa của người dân khu vực 5 bị ngập úng…

Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-MT làm chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt và triển khai xây dựng tuyến kênh mới, hạ thấp cao độ tuyến đường công vụ phía Nam Quốc lộ 19 mới (đoạn từ cầu Hà Thanh 6 đến đường Điện Biên Phủ).
Công ty TNHH Phú Gia Riverside chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư tuyến kênh nêu trên để hoàn trả lại kênh tiêu thoát lũ, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân...

Dự án khu đô thị mới CG‑011 hình thành từ năm 2019, vốn ban đầu trên 1.777 tỷ đồng (vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư). Đến ngày 6-7-2020 UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích trên 62ha, quy mô dân số 9.100 người; quy hoạch sử dụng đất dân dụng, dịch vụ, đô thị, tái định cư…
>>>Một số hình ảnh PV ghi nhận:





