
Nói một cách nôm na thì giải pháp GIS là cách đặt hàng loạt lớp thông tin lên bản đồ địa lý, để khi click chuột vào, người ta có thể có bản đồ phân bổ cây xanh trên địa bàn; tìm được hệ thống các con đường và từng con hẻm, có đủ số liệu chiều rộng, chiều dài. Hoặc nó cho phép người dân của một quận nào đó lấy biên nhận ra, quẹt một cái lên máy soi mã vạch có thể biết hồ sơ của mình đã xong hay đang bị “ngâm” ở khúc nào…
- Dân giám sát cán bộ

Tại UBND quận Bình Thạnh, người dân có thể tự kiểm tra hồ sơ nhờ hệ thống mã vạch.
Chị Nguyễn Thị Lan lấy tập hồ sơ nhà đất của mình, lục hai tờ biên nhận và bắt đầu soi cái góc trên bên trái của từng tờ biên nhận lên máy quét mã vạch đặt trong phòng tiếp nhận và trả hồ sơ tại UBND quận Bình Thạnh, TPHCM.
Lần lượt, thông tin về hai bộ hồ sơ nhà đất của chị hiện lên máy tính. Bộ thứ nhất: hồ sơ đã chuyển đến phó phòng, chờ ký. Bộ thứ hai: tổ thụ lý đang xử lý hồ sơ. Cất hai tờ giấy vào bìa sơ mi nhựa, chị Lan giải thích: “Vậy là cái chuyển đến phó phòng, chờ ký là sắp xong rồi đó. Có cái máy này, dân tụi tui có thể biết ai đang ngâm hồ sơ của mình”.
Thực tế, từ trước ngày có việc công khai thông tin bằng cái máy quét mã vạch này, các cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của quận Bình Thạnh cũng đã xử lý hồ sơ đúng thời gian quy định. Nhưng việc dân được công bố thông tin tường tận như vậy là chưa từng có và giúp cho cơ quan nhà nước có thêm một hệ thống giám sát rất tích cực: người dân.
“Hệ thống tự động trả lời cung cấp thông tin về tình trạng hồ sơ đăng ký kinh doanh, hồ sơ cấp phép lĩnh vực văn hóa, hồ sơ nhà đất, cấp phép xây dựng… Hiện nay Sở Bưu chính - Viễn thông (BCVT) TPHCM đã vận hành được hệ thống trả lời tự động cấp thành phố, liên thông giữa quận 1, quận Bình Thạnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư với UBND TPHCM và những đơn vị mới triển khai. Nếu không muốn phải đi lên quận để tra cứu, người dân cũng có thể gọi điện thoại, nhắn tin đến số 1900545444 hoặc vào website của sở (http://www.ict-hcm.gov.vn). Trong tháng 1 này chúng tôi sẽ kết nối thêm 3 - 4 quận nữa, là những đơn vị đã chạy thử thành công chương trình này” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Sở BCVT cho biết.
Việc liên thông các cơ quan nhà nước lại thành một cửa và cung cấp thông tin cho dân như nói ở trên chỉ mới đang được thực hiện tại TPHCM. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, GIS còn rất nhiều ứng dụng sẽ triển khai cho các quận huyện trong thành phố.
- Bản đồ nhiều lớp
Đó là việc ứng dụng GIS đặt thông tin lên bản đồ địa lý, làm cho nó trở thành những chỉ dẫn được cập nhật thông tin thường xuyên. Mỗi một loại thông tin khác nhau hình thành một lớp bản đồ riêng, có thể chia thành hàng trăm lớp bản đồ như bản đồ đường, bản đồ hẻm, bản đồ nhà, bản đồ hệ thống thoát nước…
Điều đặc biệt ở những lớp bản đồ này là thông tin được đính kèm trên bản đồ đó. Ví như ở lớp bản đồ nhà thì trên các ngôi nhà phải kèm theo thông tin diện tích, nhà mấy tầng, ai là chủ sở hữu… Ở hệ thống trả lời tự động, khi người dân nhập mã vạch hay gọi điện thoại, nhắn tin… tức là gửi yêu cầu cung cấp thông tin trong cái “lớp xử lý hồ sơ”. Và hệ thống này phải luôn cập nhật thông tin mới về tình trạng xử lý hồ sơ, để cung cấp thông tin công khai và chính xác cho dân.
Hiện nay việc ứng dụng GIS đã được triển khai rất mạnh ở nhiều đơn vị hành chính tại TPHCM. Bản đồ địa lý của quận 1, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận 5, quận 11 đã được xây dựng thành những chỉ dẫn địa lý nhiều lớp: lớp nhà, lớp cây xanh, lớp bản đồ quy hoạch đất…
“Theo yêu cầu trước mắt của các quận huyện, để phục vụ cho việc quản lý hành chính, cấp giấy phép cho dân… chúng tôi tiến hành xây dựng những lớp thông tin cần thiết nhất trước. Mục tiêu là phải xây dựng được thật nhiều lớp thông tin và liên thông giữa các đơn vị với nhau, để có thể cho ra đời những lớp thông tin chi tiết, như bấm vào một ngôi nhà thì có thể biết được nhà đó hiện có những người nào đang sinh sống, làm việc ở đâu, bao nhiêu tuổi…” - ông Tuấn hồ hởi nói về bước phát triển của kế hoạch Chính phủ điện tử đang được triển khai.
- Đồng bộ
“Theo kế hoạch, năm 2006 chúng tôi hoàn thành giai đoạn 1 hệ thống một cửa cung cấp thông tin tại TPHCM. Tất cả ứng dụng tại các quận huyện phải đảm bảo kết nối thông tin với hệ thống trả lời tự động của TP. Chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống đều khắp các quận huyện, sở, ngành, kết nối với nhau qua mạng truyền dẫn tốc độ cao, cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người dân, giúp cơ quan nhà nước xử lý thông tin nhanh và chính xác. Lãnh đạo có thể theo dõi thông tin đầy đủ và kịp thời trên mạng” - Giám đốc Sở BCVT TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết.
Năm 2005, TPHCM có sự phát triển vượt bậc trong ứng dụng CNTT, mà theo ông Hà là đã “thực hiện được một số bước trong giai đoạn 2, giai đoạn 3 của kế hoạch Chính phủ điện tử quốc gia, chứ không chỉ dừng ở giai đoạn 1”. Phát huy những thế mạnh đó, ứng dụng thành công tại các đơn vị đi đầu như quận 1, quận Bình Thạnh… là tiền đề cho việc nhân rộng ra các địa bàn còn lại.
Các lớp bản đồ đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có thông tin đầy đủ, hệ thống và dễ truy cập hơn, có thể xử lý hồ sơ cho dân nhanh hơn. Đến một mức khác: khi cơ quan nhà nước chỉ cần nhập số một căn nhà bất kỳ vào là có đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu, diện tích, hệ thống cấp thoát nước, điện thoại, hồ sơ xây dựng… thì cải cách hành chính ở TPHCM thực sự mang sắc thái mới: trên tường, dưới tỏ, thông thoáng và mau lẹ.
MINH TÚ