Sách điện tử lậu - Những “tên cướp” bịt mặt!

Sách điện tử lậu - Những “tên cướp” bịt mặt!

Ngoài vấn nạn sách giả, sách lậu, những người làm sách trong nước đang phải chịu sự “cướp bóc” của một loại hình sách lậu khá mới mẻ là sách điện tử (ebook) lậu. Các trang ebook lậu thường được điều hành bởi những tập thể ảo nên khó bị bắt quả tang, tha hồ tung hoành trên internet. Các nhà xuất bản lớn nhỏ trong nước đều là nạn nhân vì đa phần sách của họ vừa phát hành đều bị “cướp” và tung lên mạng làm thành ebook một cách trắng trợn. 

Một trang web công khai chứa hàng ngàn cuốn ebook trái phép.

Một trang web công khai chứa hàng ngàn cuốn ebook trái phép.

Hiện có hàng chục trang web, forum đang ngày đêm phát tán rộng rãi các ebook lậu. Ước tính mỗi trang này có khoảng 500.000 thành viên! Giả như trang e-thuvien.com hiện có tới gần 200.000 lượt bài được các thành viên phân công nhau gõ lại từ sách thật, làm thành hàng trăm ngàn đầu sách ebook trái phép đủ các thể loại!

Trong khi chi phí các NXB, công ty văn hóa sản xuất một đầu sách hợp pháp bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng (gồm phí mua bản quyền, phí biên dịch, phí xin giấy phép, biên tập, in ấn, quảng bá…) và phải mất khoảng 6 tháng – thì việc làm ebook lậu rồi tung lên mạng chỉ mất vài ngày và chỉ tốn công ngồi gõ lại! Ngay sau khi Công ty Sách Bách Việt mua tác quyền, dịch và phát hành cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp ăn khách của Trung Quốc Liệt hỏa như ca thì bị trang www.aulac.vn “vô tư” gõ lại làm thành ebook và thu phí 2.000 đồng cho một lần tải sách này về đọc! Phát hiện vụ việc, Bách Việt đã gửi công văn đề nghị đơn vị quản lý trang web trên giải thích và chấm dứt vi phạm, nhưng đơn vị này chỉ trả lời bằng “sự im lặng đáng sợ” và vẫn kinh doanh tác phẩm ebook Liệt hỏa như ca như không có chuyện gì xảy ra.

Bức xúc trước thực trạng trên, đại diện Công ty Sách Chibooks bày tỏ: “Việc làm và phát tán ebook lậu chỉ đem lại cái lợi trước mắt nhưng sẽ mất đi cái lợi lâu dài nếu như các đơn vị xuất bản Việt Nam ngưng đầu tư xuất bản những sách hay và mới nhất trên thế giới do họ chán nản vì bị thất thu, hoặc bất lực từ việc không ngăn chặn nổi việc “ăn cướp” trên mạng, hoặc họ bị phá sản từ những hành động phá hoại lợi ích kinh tế trên, hoặc không được các NXB nước ngoài bán bản quyền khi thấy chính họ không bảo vệ được bản quyền”.

Hầu hết các NXB và các công ty sách đều đã và đang là nạn nhân của những “tên cướp” bịt mặt trên mạng. Việc các ebook lậu phát tán rộng rãi trên mạng khiến các đơn vị làm sách bị thất thu nặng nề bởi mất một lượng lớn độc giả mua sách in. Bị xâm phạm bản quyền nặng nề, các đơn vị xuất bản mong mỏi các cơ quan chức năng, công an văn hóa, công an an ninh mạng hỗ trợ điều tra, ngăn chặn các website kinh doanh ebook lậu.

Hà Thi

Tin cùng chuyên mục