Sản phẩm OCOP vào giỏ hàng tết

Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đặc sản từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đang liên tục đổ về TPHCM. Người dân thành phố có cơ hội tiếp cận, mua các sản phẩm đặc sản vùng miền với giá tốt.

Sản phẩm OCOP vào giỏ hàng tết

Chất lượng, mẫu mã được nâng cấp

“Nhất định lần này phải mua được các sản phẩm OCOP như chẩm được các sản phẩm OCOP như chẩm chéo, nấm hương, thịt bò Mèo Vạc, lạp xưởng, thịt heo xông khói”, anh Đào Lê Nam (ngụ quận Tân Phú) cho biết đã cùng vợ lên kế hoạch trước khi đến Hội nghị Kết nối cung - cầu TPHCM với các tỉnh, thành (đang diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, quận 11, TPHCM). Giống như anh Nam, nhiều người đến hội nghị này cũng tranh thủ mua những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo Sở Công thương TPHCM, Hội nghị Kết nối cung - cầu TPHCM với các tỉnh, thành quy tụ 45 tỉnh, thành tham gia đã mang đến hàng ngàn đặc sản của ba miền: Bắc, Trung, Nam. So với mọi năm, năm nay nhiều sản phẩm OCOP đã được cải tiến, nâng cấp mẫu mã, bao bì, chất lượng. Đơn cử, gian hàng của tỉnh Bình Định có bánh ít lá gai hút chân không có thể sử dụng 3-6 tháng, thay vì trước đây đóng gói bình thường chỉ sử dụng được 1 tuần. Sản phẩm này đã được nhiều người mua để dành cúng hoặc ăn trong dịp tết cổ truyền. Hay tại gian hàng của tỉnh Lào Cai, các sản phẩm OCOP như miến đào sâm, ruốc cá Sa Pa, miến cải kale, miến lẩu sâm Hưng Hiển, mơ muối, măng lưỡi lợn khô Việt Tiến... được đóng hộp, bao bì đẹp và nhiều sản phẩm được hút chân không để bảo quản được lâu.

Gian hàng đến từ tỉnh Cao Bằng lại có các sản phẩm đặc trưng như nấm hương khô, măng khô, lạp xưởng, chẩm chéo, thịt lợn đen sấy khô, chè đắng... Gian hàng của tỉnh Hà Giang có chè san tuyết, cam vàng, bò vàng cao nguyên đá… Các gian hàng đến từ khu vực Tây Nguyên thì có thịt trâu gác bếp, cà phê, hạt mắc ca, hạt điều… TPHCM cũng góp mặt với nhiều mặt hàng phong phú như cá dứa, bánh tráng…

Cùng với Hội nghị Kết nối cung - cầu TPHCM với các tỉnh, thành là Hội chợ Làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP TPHCM do Hội Làng nghề Việt Nam tổ chức tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) với gần 300 gian hàng, diễn ra từ ngày 21 đến 27-12. Theo đó, nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản của các tỉnh thành được trưng bày tại hội chợ với mẫu mã đẹp, nhãn hàng ghi rõ nơi xuất xứ, giá bán...

Sớm có chiến lượchỗ trợ dài hơi

Nhiều năm qua, không ít sản phẩm OCOP, đặc sản các tỉnh, thành đã có mặt ở siêu thị, trung tâm thương mại tại TPHCM. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chưa phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, một số cửa hàng chuyên bán sản phẩm OCOP mở ra chưa bao lâu đã phải đóng cửa. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ thương mại nông
nghiệp phía Nam (Bộ NN-PTNT) tổ chức “Điểm kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tại địa chỉ 135A đường Pasteur (quận 3, TPHCM) mới khai trương cuối tháng 7 nhưng chưa thu hút được nhiều khách nên phải thu hẹp quy mô.

Bên cạnh đó, nhiều trang thương mại điện tử trước kia quảng bá rất rầm rộ sản phẩm OCOP, nay phải gộp chung với nhiều mặt hàng khác. Có nhiều nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương chưa thể phổ biến rộng rãi. Trong đó, theo đại diện HTX Tâm Hòa (Cao Bằng), có nguyên nhân lợi nhuận các sản phẩm OCOP thấp nhưng nhiều nhà phân phối yêu cầu hoa hồng bán hàng cao, chưa kể chi phí vận chuyển, đóng gói. Do đó, HTX chủ yếu tham dự hội chợ tại các tỉnh, thành phố để bán và quảng bá sản phẩm. Còn theo Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Hà Giang), phần lớn người mua đặt số lượng nhỏ, không đủ bù đắp chi phí vận chuyển nên người bán e ngại. Đặc biệt, đối với sản phẩm tươi sống, phải mua với số lượng lớn mới có thể thuê vận chuyển bằng xe container đông lạnh. Trong khi đó, nhiều hệ thống siêu thị nỗ lực
hỗ trợ tiêu thụ nhưng chưa đáng kể.

Theo lãnh đạo một siêu thị lớn ở TPHCM, chủ thể OCOP đều là đơn vị nhỏ, lẻ nên chỉ có thể cung cấp sản phẩm vào một siêu thị, còn đưa vào toàn hệ thống lại không làm được. Có trường hợp, chủ thể sản phẩm OCOP đưa vào một hệ thống siêu thị TPHCM với 100kg nhưng sau đó thì cắt 1/2 sản lượng để cung cấp cho siêu thị khác. Bên cạnh đó, nhiều chủ thể không nhận vận chuyển hàng cho các siêu thị ở các tỉnh xa mà lựa chọn siêu thị gần. Tương tự, nhiều chủ thể cũng không bán cho khách mua trên kênh thương mại điện tử mà ở tỉnh, thành xa. Do đó, cần có cơ chế hướng dẫn các chủ thể phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ thông tin.

Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP ( Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương,Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã làm việc với nhiều siêu thị nhưng do thói quen và nhu cầu tiêu dùng nên các sản phẩm miền Bắc vào miền Nam còn hạn chế và ngược lại. Tuy nhiên, đơn vị sẽ mở các điểm đến và cửa hàng tiện lợi để dần dần tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm OCOP cho đông đảo người dân.

Theo Sở Công thương TPHCM, nhiều hệ thống phân phối tại thành phố có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP như Coopmart với 70 sản phẩm; hệ thống GO!, BigC, Top Market với 145 sản phẩm; hệ thống Satra với 34 sản phẩm; MM Mega Market với 106 sản phẩm…

Tin cùng chuyên mục