
Như các báo đã đưa tin, chiều ngày 22-6, đoàn công tác của Tổng Công ty Điện lực VN (EVN) do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng làm trưởng đoàn đã vào TPHCM để làm rõ những thông tin quanh chiếc điện kế điện tử (ĐKĐT) mà dư luận đã phản ánh.
Sau nhiều lần đề nghị gặp, trưa ngày 23-6, sau phiên họp buổi sáng tại Công ty Điện lực TPHCM với các ngành chức năng, ông Hùng đã dành cho phóng viên báo SGGP cuộc trao đổi sau.
Triển khai phải có lộ trình!
- Thưa ông, chủ trương lắp đặt ĐKĐT là chủ trương của EVN hay Công ty Điện lực TPHCM tự thực hiện?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng
- Trước hết, phải nói đây là công nghệ mới phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu, do đó bằng giá nào chúng tôi cũng phải mua để đáp ứng cho khách hàng. Còn đối với công ty, hiện nay EVN đã phân cấp cho công ty quyền chủ động trong kinh doanh. Công ty nào triển khai, đáp ứng được chủ trương, yêu cầu sản xuất thì EVN hoàn toàn ủng hộ.
- Công ty Điện lực TPHCM có thông qua EVN về chủ trương lắp đại trà ĐKĐT?
- Chúng tôi đã ủy quyền cho các công ty được chủ động nên EVN không can thiệp sâu. Ví dụ công tơ điện tử, nếu đảm bảo chất lượng, được phép lưu hành thì họ hoàn toàn có quyền chủ động, không nhất thiết cái gì cũng phải hỏi.
- Thay điện kế cơ đang chạy tốt bằng ĐKĐT có lãng phí không? Nhiều ý kiến cho rằng để tránh lãng phí và đảm bảo lợi ích khách hàng, ngành điện cần phải có một lộ trình hợp lý?
- Công tơ cơ khí đang chạy tốt không ai lại bỏ đi. Sau khi thay thế phải được đem ra kiểm định lại, cái nào còn tốt phải đem sử dụng ở nơi khác vì công tơ điện tử không phải một sớm một chiều mà lắp ngay được. Chỉ những công tơ nào hư hỏng không thể sử dụng được nữa mới đem thanh lý làm phế liệu. Tôi cho rằng thay như thế không thể gọi là lãng phí được.
- Nhưng ông vừa nói, chỉ thay những công tơ nào bị hư, phải bỏ ra…
- Không, tôi nói đã thay là thay đồng loạt hết, sau đó đem kiểm định lại, cái nào còn sử dụng được mới tiếp tục bảo dưỡng để sử dụng ở nơi khác.
- Như thế lại mất thêm một công đoạn?
- Buộc phải mất thêm công đoạn vì cứ mỗi 5 năm phải kiểm tra định kỳ công tơ một lần. Đó là nguyên tắc!
- Nhưng qua đợt lắp đặt ĐKĐT đại trà ở TPHCM lần này đã xảy ra hàng loạt các sự cố, làm khách hàng mất niềm tin, ông nghĩ sao ?
-Ví dụ những sự cố nào?
- Cụ thể vừa qua trong dư luận đã đặt ra hàng loạt vấn đề về độ chính xác của công tơ…
- Dư luận chỉ là dư luận. Cái chính phải có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có đủ thẩm quyền kết luận. Phải có số liệu, có con số để nói rằng cái công tơ này nó không chính xác. Vừa rồi tất cả các công tơ mà tôi được anh em báo cáo kiểm tra định kỳ, có cái không chính xác. Chính vì vậy hôm nay mới có đoàn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng vào đây tổ chức kiểm định.
Điện kế không đạt chất lượng, phải loại ra
- Việc kiểm định đã làm được đến đâu, thưa ông?
- Hôm nay đang làm, chúng tôi không được quyền tham gia. Thực ra, chúng tôi được ủy quyền của nhà nước về kiểm định và xác nhận chất lượng sản phẩm. Với ý kiến của dư luận như thế thì chúng tôi mời một cơ quan độc lập là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường – cơ quan nhà nước cao nhất về kiểm định chất lượng – vào thanh tra và sẽ có kết luận về chất lượng của những công tơ này.
- Nếu kết luận cũng đúng như dư luận phản ánh thì sẽ xử lý như thế nào?
- Như “dư luận phản ánh” là thế nào?

Chị Huỳnh Thị Ty (ở số 1/3 Trường Chinh, phường Tây Thạnh quận Tân Phú) phản ánh từ khi gắn ĐKĐT thì tiền điện từ 300-400 ngàn đồng tăng vọt lên... 1,3 triệu đồng/tháng nhưng ngành điện sau kiểm tra vẫn cho rằng “điện kế chạy đúng!”.
- Như có sai số, đo đếm không chính xác hoặc quá mức cho phép, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng…
- (Cắt ngang):… Tất nhiên đối với những công tơ không đạt chất lượng, dứt khoát phải loại ra khỏi lưới, không được đưa vào vận hành. Đó là pháp lệnh, là quy định rồi !
- Đối với những lô hàng như thế, chỉ thu hồi những công tơ được phát hiện là sai số hay sẽ thu hồi toàn bộ ?
- Tại sao lại phải thu hồi toàn bộ lô hàng?
- Như mấy hôm nay, báo Tuổi trẻ…
- Chỉ khi nào cơ quan quản lý nhà nước bảo cái này không đạt tiêu chuẩn chất lượng phải thu hồi toàn bộ lô hàng, thì chắc chắn phải thu hồi toàn bộ. Và tôi hy vọng họ sẽ làm việc rất vô tư.
- Có một điều rất rõ ràng : hợp đồng là mua sản phẩm “ngoại nhập” nhưng thực tế lại lắp ráp tại Việt Nam…?
- Riêng vấn đề này chúng tôi đã làm việc với báo Tuổi trẻ. Vấn đề hợp đồng, các cơ quan báo chí đã nêu lên và cơ quan quản lý nhà nước đang làm. Phải kiểm tra mới kết luận có gian lận thương mại hay không. Tôi được biết cơ quan cảnh sát kinh tế đang vào làm việc. Mình phải chờ kết luận của họ.
- Nếu có kết luận rõ ràng, EVN sẽ xử lý như thế nào?
- Như anh đã biết rồi, chúng tôi phải hoạt động dựa trên nguyên tắc của pháp luật, do đó phải xử lý theo đúng pháp luật. Cán bộ vi phạm ở mức nào, nếu cơ quan điều tra làm rõ và có kiến nghị thì chúng tôi phải xử lý, chấn chỉnh trong trách nhiệm của mình.
Có lãng phí không?
“Không !...”
- Việc thay ĐKĐT là một chủ trương mới. Nhưng làm thế nào để việc này không gây xáo trộn, để người dân không phản ứng là “lãng phí và chỉ có lợi cho ngành điện”…?
- Không, tôi trả lời với anh rồi. Công tơ cơ khi nó còn tốt thì vẫn sử dụng lại, như thế không thể gọi là lãng phí. Còn ngay công tơ điện tử, nếu cái nào hư, không đảm bảo chất lượng cũng phải loại ra.
- Nếu khách hàng không tin tưởng vào chất lượng ĐKĐT và muốn lắp lại điện kế cơ đã được kiểm định thì ngành điện có đáp ứng không?
- Trước hết phải nói rằng: công tơ điện tử có độ chính xác cao. Như cái đồng hồ điện tử, bao giờ cũng chính xác hơn đồng hồ cơ khí. Bây giờ thực hiện chế độ 3 giá rồi nên buộc phải lắp công tơ điện tử, không muốn cũng không được vì chỉ có công tơ điện tử mới đếm được “giờ này cao điểm sử dụng bằng này kWh, giờ đêm thấp điểm sử dụng bằng kia kWh…”.
- Nhưng vấn đề là củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, vì những vụ việc vừa qua người sử dụng không còn tin…
- Thực ra công tơ điện tử cũng có sai số, nhưng nhìn chung nó chính xác hơn công tơ cơ. Về nguyên tắc, công tơ cơ sử dụng lâu sẽ chạy chậm đi nên khi lắp công tơ điện tử, chạy chính xác hơn nên ban đầu người dân thấy có chênh lệch …
- Thực tế, những sai số đều có lợi cho ngành điện chứ không thấy có lợi cho người dân…
- Cái lỗi là ngành điện chưa làm tốt chủ trương tuyên truyền...
Không thể vội vã kết luận...
- Có thông tin rằng, khi ký hợp đồng mua lô hàng ĐKĐT này, đồng thời Công ty Điện lực TPHCM đã tiến hành thanh lý nhiều điện kế cơ còn khá mới…
- Vấn đề này anh phải hỏi Công ty Điện lực TPHCM.
- Nếu đó là sự thật, EVN sẽ xử lý như thế nào?
- Tôi không biết về trường hợp này nên tôi không thể trả lời… Vấn đề này phải có chứng cứ, không thể kết luận vội vã được. Những thông tin cụ thể, bản thân tôi cũng không thể trả lời được vì cơ quan điều tra người ta đang làm và họ đang yêu cầu chúng tôi phải cung cấp một số tài liệu.
- Xin hỏi thêm ông một vấn đề nữa, đó là chuyện giá cả. Một công ty sản xuất thiết bị điện trong nước cho biết đã sản xuất được ĐKĐT giá chỉ có 12 USD/cái, trong khi Công ty Điện lực TPHCM mua của Linkton lên đến hơn 35 USD…
- Vấn đề này cũng không thể kết luận được là đắt hay rẻ. Mỗi loại công tơ điện cũng có những chức năng khác nhau và giá cả tùy theo chức năng của mỗi loại công tơ. Nếu so sánh, phải so sánh trên cơ sở cùng loại và của nhiều hãng tôi mới có thể trả lời các anh.
- Nhưng bằng cảm nhận của ông – một người trong ngành – trước một sản phẩm có nhiều dấu hỏi về chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
- Cái gì cũng phải có cơ sở. Về chất lượng cũng như giá cả, có gian lận hay không, phải chờ cơ quan chức năng đánh giá. Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện các ý kiến kết luận và kiến nghị của các cơ quan này.
- … Còn nguồn vốn mua ĐKĐT được hạch toán vào đâu, tính vào giá thành hay ngân sách, thưa ông?
- Trong kinh doanh, tất cả mọi chi phí chúng tôi phải tính vào giá thành sản xuất. Giá đó đã được nhà nước quy định rồi. Do đó khách hàng không phải chịu một đồng nào cho việc lắp đặt công tơ điện tử.
- Xin cảm ơn ông.
PHẠM TRƯỜNG