
Tại kỳ họp thứ 3 – HĐND TP khóa VII, tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) và quản lý các loại hình văn hóa “nhạy cảm” đã trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo cử tri thành phố. 6 tháng qua, các sở, ban, ngành thành phố thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực của mình như thế nào?
- Thất thoát, lãng phí…còn dài!
Tại kỳ họp thứ 3, HĐNDTP khóa VII, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã thẳng thắn thừa nhận: Nguyên nhân yếu kém trong đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách là do năng lực tư vấn lập dự án kém! Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhiều công trình xây dựng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí lớn là do xác định dự án không hợp lý; xảy ra lãng phí do chậm triển khai dự án làm tăng quá mức chi phí đền bù giải tỏa, thành phố phải dùng ngân sách để thuê nhà tái định cư.

Nếu xác định là hàng giả thì không cần phải kiểm định điện kế điện tử nữa.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP cho biết, UBND TP đã ban hành nhiều qui định để củng cố chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, đấu thầu và tăng cường công tác giám sát xử lý phạt… Do vậy, bước đầu đã chấn chỉnh được nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Cụ thể, thành phố đã lập 21 đoàn thanh tra, 28 đoàn kiểm tra phát hiện một số sai phạm về tài chính là 2,337 tỷ đồng. Các sở ngành cũng đã tự kiểm tra như Sở GTCC tự kiểm tra 28 công trình, phát hiện thất thoát 7%; Sở Xây dựng kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng 26 công trình …
Thế nhưng, cũng theo ông Hoàng, tình hình vẫn chưa có gì đáng phấn khởi! Có thể thấy rõ nhất là tiến độ “rùa” ở các công trình, dự án như đê bao sông Sài Gòn, dự án xử lý nước thải Bệnh viện An Bình… tất cả đều gây lãng phí. Ông Hoàng tỏ ra lo lắng: khi thanh tra thành phố kiểm tra các đơn vị, tỷ lệ sai phạm ở những khâu liên quan đều ở những con số “nhạy cảm” (chuẩn bị đầu tư: 31,15%; giám sát: 39,28%; quản lý chất lượng công trình: 32,14%...).
Chưa hết, tình hình lãng phí, thất thoát còn thể hiện ở việc quản lý, sử dụng kho bãi cũng đang ở mức đáng báo động. Qua kiểm tra thực địa 7 kho bãi do Công ty Kho bãi TP quản lý, đã có đến 6 kho bị biến thành nhà ở, còn 1 kho bị bỏ phế hơn 10 năm. Điển hình nhất là khu đất hơn 10 ha do Nhà máy Rượu Bình Tây thuộc Tổng Công ty Rượu bia quản lý, sử dụng nằm trên địa bàn quận 6. Từ nhiều năm qua, mặt bằng này một phần bị đem cho thuê, phần còn lại thì… bỏ trống!
- Quản lý các loại hình văn hóa “nhạy cảm”: sẽ tiếp tục “nhạy cảm”?
Tại kỳ họp thứ 3, HĐNDTP khóa VII, nhiều đại biểu đã lo âu: Chúng ta đã có quy định cấm người dưới 18 tuổi vào vũ trường, nhưng thực tế không thể kiểm soát được, tại sao không xử phạt nặng các cơ sở vi phạm? Giám đốc Sở VH-TT Trương Ngọc Thủy lúc ấy đã thanh minh: Phát hiện những vi phạm này rất khó, vì không thể kiểm soát giấy tờ tùy thân, trách nhiệm này thuộc về chủ cơ sở và lực lượng bảo vệ ở những nơi đó.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với tổ chức đoàn thể, gia đình để giáo dục và định hướng lối sống cho thanh thiếu niên. Đó mới chính là cái gốc! Ngay thời điểm đó, các đại biểu cũng đã cảnh báo: Chưa thấy được định hướng quy hoạch, phát triển kinh doanh các dịch vụ văn hóa TPHCM trong tương lai ra sao, đâu là nét riêng văn hóa của TPHCM? Nếu chỉ đơn thuần là “bắt bớ, xử phạt” thì chưa “đúng tầm với sở chuyên ngành”.
Sau một thời gian giám sát kể từ kỳ họp thứ 3, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP thẳng thắn: Công tác lập quy hoạch kinh doanh các dịch vụ văn hóa chưa xuất phát từ một tiêu chí nhất định, chủ yếu còn mang tính định lượng bình quân như cho phép bao nhiêu điểm tại một khu vực nào đó.
Cũng theo ông Minh, công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí còn “vô hiệu hóa” lẫn nhau; thiếu sự phân công, phân cấp giữa các ngành và quận huyện trong công tác quản lý, kiểm tra không chặt chẽ. Có nơi ngay sau khi vi phạm bị rút giấy phép lại có ngay giấy phép mới tiếp tục hoạt động do người khác đứng tên, nhưng thực chất vẫn do chủ cũ điều hành.
Trong 6 tháng đầu năm Đoàn II kiểm tra liên ngành 814 của thành phố tổ chức kiểm tra 168 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thì phát hiện 159 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 94,6%). Trong số này chỉ tính riêng karaoke, khi kiểm tra 14 cơ sở, thì 100% đều vi phạm. Kiểm tra 96 nhà hàng, ăn uống thì có 56 nơi kinh doanh karaoke không phép.
Còn theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an TPHCM, tính đến cuối tháng 6-2005, đã triệt phá được 15 “động lắc”, phát hiện hơn 1.500 đối tượng ăn chơi thâu đêm, trong đó có đến hơn 276 đối tượng sử dụng ma túy (chiếm tỷ lệ 30%). Số người nghiện ma túy tổng hợp chủ yếu là lớp trẻ với độ tuổi từ 18-30, đa số thuộc các gia đình có kinh tế khá giả.
TRẦN TOÀN
Đại biểu HĐNDTP: |