Vụ lắp đặt hơn 260 ngàn điện kế điện tử không hợp pháp

Sẽ xử lý nghiêm, không bao che sai phạm

Sẽ xử lý nghiêm, không bao che sai phạm

Sáng 7-7, ông Đặng Hùng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc với Bí thư Đảng ủy khối Bộ Công nghiệp Nguyễn Duy Tân. Sau cuộc họp, ông Nguyễn Duy Tân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về quan điểm của lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam trong giải quyết và xử lý sai phạm đối với các cán bộ liên quan tại Công ty Điện lực TPHCM. Đồng thời, phóng viên cũng đã trao đổi với Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Lê Minh Hoàng về một số vấn đề liên quan.

  • Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm

Sẽ xử lý nghiêm, không bao che sai phạm ảnh 1

Hàng ngàn ĐKĐT đã được cơ quan chức năng niêm phong.

- Phóng viên: Các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ mức độ sai phạm của các cá nhân có liên quan. Lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam giải quyết hậu quả và xử lý cán bộ trong vụ việc này như thế nào?

- Ông Nguyễn Duy Tân: Đây là vụ việc nghiêm trọng, có lẽ lần đầu tiên xảy ra tại ngành điện với mức độ ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Dù chưa kết luận vụ việc, nhưng chỉ đạo ban đầu của lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là một mặt cho kiểm tra, khắc phục ngay những thiệt hại của người dân, một mặt tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kiên quyết những cán bộ, cá nhân có sai phạm.

- Cụ thể là ai và người đó phải chịu trách nhiệm ra sao, thưa ông?

- Tại doanh nghiệp để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý cán bộ, lãnh đạo điều hành sản xuất – kinh doanh thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Trong vụ việc này, chúng tôi đã yêu cầu đồng chí Lê Minh Hoàng với vai trò là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Điện lực TP phải viết bản tường trình nêu rõ sự việc.

- Việc một số cán bộ lãnh đạo công ty đứng ra thành lập các “công ty một nhà” độc quyền cung cấp thiết bị điện cho ngành điện mà theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ – Công chức là không được phép. Vậy tổ chức Đảng ở đây và cả Đảng ủy khối Bộ Công nghiệp có biết không?

- Đây là bài học rất lớn về công tác quản lý cán bộ mà chúng tôi rút ra được trong vụ việc này. Để quản lý cán bộ, chúng ta có quy định về kê khai tài sản hàng năm, nhưng nhiều người đã cố tình giấu giếm, lách luật và lợi dụng chức vụ mà mình đang giữ để mở các công ty kinh doanh thì thực sự khó có thể biết được.

- Nhiều năm qua, Đảng bộ Công ty Điện lực TP được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Có thể hiểu như thế nào khi có sai phạm xảy ra?

- Đúng là 10 năm qua Đảng bộ Công ty Điện lực TP được công nhận trong sạch vững mạnh và chúng tôi cũng đã đề nghị Thành ủy TPHCM tặng cờ xuất sắc, nhưng để xảy ra vụ việc này thật đáng tiếc. Vai trò của tổ chức Đảng trong công tác giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên theo tôi cũng còn nhiều hạn chế, không riêng gì ở Điện lực TP. Trong sản xuất-kinh doanh tại các doanh nghiệp cũng không tránh khỏi sai sót, nhưng sai sót này ở mức độ nào và ảnh hưởng ra sao thì đã có pháp luật xử lý. Đảng không bao che và cũng không tạo “vùng cấm” cho bất cứ cá nhân và doanh nghiệp nào làm sai.

  • Tôi không góp vốn vào các công ty “gia đình”

Đó là trả lời của ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi vào chiều 7-7. Ông Hoàng còn khẳng định: bản thân ông cũng không góp vốn và tham gia điều hành, quản lý các công ty này.

- Thưa ông, trong tổng số vốn góp vào Công ty TNHH SXTM Quang Trung có phải có hơn 2 tỷ đồng đứng tên vợ, chồng ông?

- Ông Lê Minh Hoàng: Tôi xin khẳng định tôi và các thành viên trong gia đình của mình không góp vốn thành lập các “công ty một gia đình” như báo chí đã nêu. Công ty Quang Trung là công ty kinh doanh đa chức năng, trong đó có lĩnh vực địa ốc. Vợ chồng tôi đăng ký mua 2 nền nhà trong một dự án với số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng tới nay chưa đóng đồng nào hết. Các cơ quan chức năng cũng đã xem xét và làm rõ khoản tiền này.

- Đối với việc ông Trần Công Điền, nguyên Phó Giám đốc và ông Lê Văn Hoành, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Điện lực TP đứng ra thành lập và để vợ, con mình đứng tên các Công ty TNHH Quang Trung và Vinh Thuận, ông và tổ chức Đảng ở đây có biết?

- Tôi không nắm rõ những cá nhân này thành lập công ty và cũng không biết họ có tham gia góp vốn hay không. Chúng tôi chỉ biết những công ty này có quan hệ làm ăn với Điện lực TP, chứ không biết đó là của ai.

- Ngoài ông Điền và ông Hoành còn những cán bộ nào để cho vợ, con mình đứng tên thành lập các công ty tham gia vào cung cấp các thiết bị điện cho Điện lực TP, thưa ông?

- Theo tôi là không có. Còn ai nữa thì các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ.

- Hàng năm, các cán bộ lãnh đạo tại Điện lực TP có kê khai tài sản và tổ chức Đảng ở đây có phát hiện điều gì bất minh trong sở hữu tài sản của những cán bộ này không?

- Hàng năm các cán bộ này đều có kê khai tài sản, nhưng họ không nói cho chúng tôi biết có thành lập các công ty thì làm sao mình biết.

- Trách nhiệm của ông trong vụ việc này ra sao?

- Trong bản tường trình, tôi cũng đã nói rõ toàn bộ sự việc và nhận trách nhiệm, không né tránh. Trong lúc các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra làm rõ, dù phát biểu dưới bất cứ hình thức nào lúc này đều không có lợi và làm xáo trộn tình hình nội bộ tại Công ty Điện lực TPHCM. Hãy để cho các cơ quan chức năng làm rõ và tôi nghĩ ai có sai phạm và sai phạm đến mức độ nào cũng phải chịu trách nhiệm, không thể chối cãi được.

MINH ĐỨC thực hiện
 

Qua 4 ngày kiểm tra
Tình hình vẫn chưa sáng sủa


Sau 4 ngày Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra tại Công ty Điện lực TPHCM, phần lớn thời gian họp nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất nội dung, trình tự kiểm tra xung quanh điện kế điện tử (ĐKĐT). Sáng 8-7, Trưởng đoàn kiểm tra Đỗ Quang Vinh có việc gia đình phải trở về Hà Nội nên đoàn đã đi niêm phong số ĐKĐT tại Điện lực Củ Chi.

  • Nhiều sai phạm trong kiểm định

Theo tài liệu của Đoàn kiểm tra liên ngành, Trung tâm Thí nghiệm điện thuộc Công ty Điện lực TPHCM có “Giấy ủy quyền kiểm định phương tiện đo” (số 731/QĐ-TĐC ngày 28-10-2003, có hiệu lực đến ngày 30-10-2006) do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp chỉ kiểm định đối với điện kế cơ 1 pha và điện kế cơ 3 pha với cấp độ chính xác là 0,5. Mặc dù chưa có giấy phép nhưng Trung tâm Thí nghiệm điện đã xé rào và bắt đầu kiểm định ĐKĐT từ tháng 6-2004. Tổng cộng trung tâm này đã kiểm định được 313.095 ĐKĐT 1 pha và 14.242 ĐKĐT 3 pha.

Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước về đo lường, thì kiểm định viên của Trung tâm Thí nghiệm điện đã kiểm tra sai số của thanh ghi điện năng bằng phương pháp… định tính (cảm quan, không phải định lượng-PV). Một số kiểm định viên của Trung tâm Thí nghiệm điện chưa có giấy chứng nhận là kiểm định viên. Ngay cả 3 điện kế chuẩn 3 pha dùng để kiểm tra chưa có giấy chứng nhận kiểm định. Thanh tra khu vực 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Thí nghiệm điện tạm ngưng kiểm định ĐKĐT cho đến khi được Tổng cục TCĐLCL xem xét và cấp quyết định mở rộng ủy quyền kiểm định đối với ĐKĐT.

  • Thay điện kế theo chu kỳ kiểm định hay tháo gỡ?

Trong khi nhiều ý kiến trong đoàn đề nghị tháo gỡ toàn bộ 260.000 ĐKĐT bất hợp pháp, kém chất lượng đang nằm trên lưới điện, ngành điện lại đề nghị rút ngắn chu kỳ kiểm định ĐKĐT 1 pha xuống còn 2 năm so với quy định là 5 năm. Như vậy, có thể hiểu 260.000 ĐKĐT sẽ lần lượt được thay theo chu kỳ kiểm định (chứ không phải là tháo) trong thời hạn 2 năm!?

Sự việc sai phạm đã được phơi bày, nhưng đến nay, việc làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý thích đáng đối với các đơn vị, cá nhân có sai phạm liên quan đến nội dung vụ việc báo chí nêu vẫn chưa thấy Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện theo công văn (số 3348) của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu. Trong quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thành lập đoàn thanh tra nêu rõ: kiểm tra làm rõ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, chất lượng các ĐKĐT và kiểm tra công tác giải quyết các khiếu nại của khách hàng.

Theo Sở Công nghiệp TP, cần phải kiểm tra tính pháp lý xong mới tiến hành kiểm định vì phải có mẫu ĐKĐT được phê duyệt (để đối chứng kiểm định), phải có thông số kỹ thuật của linh kiện. Xong các bước về thủ tục pháp lý, kiểm tra chất lượng nêu trên mới tiến hành giải quyết khiếu nại theo quy định Nhà nước. Sở Công nghiệp cũng đề nghị tính tiền bồi thường bằng cách: “Lấy điện năng bình quân ngày của 3 chu kỳ ghi chỉ số điện liền kề trước khi lắp đặt ĐKĐT để tính tiền bồi thường cho khách hàng”. Nhưng đến nay, trình tự kiểm tra này vẫn chưa được thống nhất trong đoàn kiểm tra.

Tính đến chiều 8-7, Sở Công nghiệp TP đã nhận được 181 hồ sơ của người dân khiếu nại ĐKĐT chạy nhanh. 

TR.TH - Đ.T.G. 

Tin cùng chuyên mục