Tại Việt Nam cũng có nhiều hệ thống TMĐT như Adayroi, Sendo… và hệ thống bán hàng qua facebook với nhiều hàng hóa được cung ứng qua trang TMĐT.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều trang mạng quảng cáo bán hàng hiệu, hàng xuất khẩu nhưng xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng. Để quản lý chặt chẽ vấn đề này trong thời gian tới, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TPHCM đang vận hành 127.099 website (tăng 31% so với năm 2016), trong đó có trên 61.000 website TMĐT hoạt động ổn định.
Sở Công thương đã chuyển giao danh sách này cho phòng kinh tế 24 quận huyện, Chi cục Quản lý thị trường và Cục Thuế TPHCM để để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Năm 2018, Sở Công thương TPHCM có kế hoạch phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về TMĐT để hỗ trợ lực lượng Quản lý thị trường TP tác nghiệp thành thạo hơn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND TP đẩy mạnh truyền thông hướng đến người tiêu dùng thông qua kênh báo in, báo điện tử, truyền hình... giúp người tiêu dùng nắm bắt kỹ năng giao dịch TMĐT an toàn hơn, như cách kiểm tra website TMĐT hợp pháp; cách đối chiếu, phân biệt thật - giả những mặt hàng thông dụng; cách báo tin trực tuyến đến cơ quan nhà nước về dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp... Một khi thông tin sai phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước, người tiêu dùng phát hiện và đăng tải trên mạng, chắc chắn hàng hóa của doanh nghiệp đó sẽ bị “tẩy chay”.
Kết quả khảo sát của Cục Thống kê và Sở Công thương TPHCM trong năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thanh toán theo phương thức COD (Cash On Delivery “nhận hàng mới trả tiền”) chiếm 93% tổng số giao dịch TMĐT. Do đó, giải pháp quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng hóa mua bán trực tuyến cơ bản vẫn là kiểm tra chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
TMĐT là giao dịch “trên mạng” nên để nắm bắt thông tin giao dịch và từ đó xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải “lên mạng” tìm hiểu, cập nhật những trường hợp có tỷ lệ truy cập cao, thông tin giao dịch thường xuyên nhằm khoanh vùng, tập trung giám sát, kiểm tra.