Số hóa tác phẩm nghệ thuật

Việc đưa tác phẩm nghệ thuật sang các nền tảng kỹ thuật số gần như là xu hướng chung trong thời buổi công nghệ. Sự phát triển đó mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ quảng bá tác phẩm, thêm kênh kiếm tiền trong khi giúp nhà sưu tập dễ dàng tiếp cận tác phẩm mong muốn. Tuy nhiên, khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi đôi bên vẫn là câu hỏi đặt ra hiện nay.

Thêm cơ hội cho các nhà sưu tập trẻ

Làm việc trong lĩnh vực tài chính, với vài thao tác nhanh trên máy tính, chị Nguyễn Lê Thủy Tiên (ngụ quận 7, TPHCM) sở hữu tài khoản và bắt đầu nạp tiền để mua tác phẩm từ Cổng Trời (website: congtroi.org). “Việc giao dịch tiền kỹ thuật số với tôi không xa lạ gì, nhưng đây là lần đầu tôi mua tác phẩm nghệ thuật qua nền tảng blockchain. Đây cũng là một kênh hay, nhưng nếu bước vào với mục đích thương mại thì tôi nghĩ hơi khó, vì ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nhà sưu tập trên nền tảng số như thế này”, chị chia sẻ.

Hoàng Nguyên Khôi (sinh viên Trường Đại học Sài Gòn) cho biết: “Nếu tiếp cận để đầu tư, sinh lợi nhuận trong các nền tảng NFT (một loại tài sản số sử dụng blockchain - chuỗi khối, để tạo ra một chuỗi mã độc nhất đại diện cho một vật phẩm, tác phẩm nào đó từ âm nhạc, nghệ thuật, thẻ bài bóng rổ. NFT được mua qua đấu giá trực tuyến, được thanh toán bằng USD hoặc các loại tiền số) thì cần thời gian dài ở tương lai. Nhưng hiện tại, qua những nền tảng này, chúng tôi có thể mua được tác phẩm mình thích, mặc dù chỉ là trong nền tảng số nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu của người mua.

Việc mua bán sở hữu tác phẩm thật thì ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng đủ tiền nhảy vào, chưa kể không đủ khả năng thẩm định sẽ rất dễ đụng phải đồ dỏm. Còn nền tảng NFT thì khác, mọi thứ không thể làm giả được vì nó sử dụng blockchain”.

Số hóa tác phẩm nghệ thuật ảnh 1 Giao diện website Cổng Trời

Ra mắt vào tháng 4-2021, Cổng Trời, nền tảng chuyển giao quyền sở hữu số các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam, từng bước định hình và thu hút công chúng, nhất là giới sưu tập trẻ. Hiện tại, các tác phẩm được trao đổi giữa nghệ sĩ và nhà sưu tập trên Cổng Trời chủ yếu là ảnh số, tranh số…

Tranh, ảnh hay video clip, audio hiển thị trên nền tảng Cổng Trời là các NFT được mã hóa từ các tác phẩm nghệ thuật, có giá trị chủ yếu là lưu niệm để phục vụ nhu cầu sưu tầm, lưu giữ của các nhà sưu tập, người hâm mộ và được lưu trữ, truy xuất thông tin công khai trên blockchain Kardiachain. Trừ một số trường hợp đặc biệt, nghệ sĩ có thể mở rộng quyền sở hữu NFT bằng thỏa thuận chuyển giao một phần hay toàn bộ quyền tác giả đối với tác phẩm cho nhà sưu tập và phải được công bố công khai trước khi thực hiện đăng tải trên nền tảng Cổng Trời. 

NSNA Hoàng Thạch Vân, thành viên hội đồng giám tuyển của Cổng Trời, thông tin: “Các nhiếp ảnh gia đưa hình ảnh lên Cổng Trời có quyền định giá và đưa ra số bản muốn bán, có thể là độc bản hoặc 5 bản, 10 bản… Việc mua bán ở đây đảm bảo quyền lợi đôi bên và tác giả cũng chỉ bán tác phẩm chứ không bán tác quyền, vì thế vẫn có thể mang ảnh đi dự triển lãm hay in sách”.
Lăn tăn về pháp lý

Cổng Trời dùng giải pháp công nghệ để số hóa các tác phẩm vật thể. Và hiện nay, các NFT 3D do Cổng Trời nghiên cứu đã tương thích được với ứng dụng VR Oculus do Facebook phát triển, giúp nghệ sĩ có thể dễ dàng xây dựng VR gallery (gallery thực tế ảo) với chi phí tiết kiệm. Nhờ vậy, những nhà sưu tập không có điều kiện tiếp cận những tác phẩm thực, có giá trị cao vẫn có thể sở hữu bản số hóa để vừa tự xây dựng phòng trưng bày cá nhân trên ứng dụng Oculus, vừa có thể giới thiệu bạn bè vào tham quan mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thực như địa lý, thời gian, thiên tai, dịch bệnh…

NFT có thể là tương lai của nghệ thuật trong thời đại công nghệ, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khung pháp lý, nhất là đối với các tác phẩm vật lý như tranh vẽ tay hay vật phẩm thực. Ngoài Cổng Trời, một đơn vị khác ở trong nước cũng thực hiện việc số hóa các tác phẩm nghệ thuật, nhưng chọn thành lập công ty tại Singapore vì có hành lang pháp lý cụ thể hơn và giải pháp công nghệ hỗ trợ nhiều hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập Cổng Trời, phân tích: Hiện nay ở Việt Nam, blockchain cũng như các sản phẩm được ứng dụng trên nền tảng blockchain còn rất mới. Chính vì mới nên chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý, khuyến khích phát triển, ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc định hướng phát triển chính phủ số, nhất là phát triển CBDC (tiền điện tử của Ngân hàng Nhà nước) sẽ tạo điều kiện và cơ hội để blockchain cũng như các sản phẩm, ứng dụng trên nền tảng blockchain phát triển. 

Việc mua bán, sở hữu tác phẩm nghệ thuật trong thế giới số của Cổng Trời hay nền tảng NFT khác chỉ có giá trị trên thế giới số, và không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi sở hữu hay giá trị của tác phẩm thật. Cổng Trời không thu bất kỳ khoản phí nào cho đến khi tác phẩm có nhà sưu tập đồng ý trao đổi. Điều này giúp nghệ sĩ tránh việc chưa thu được gì đã phải trả một số lượng đơn vị mã hóa nhất định để niêm yết sản phẩm.

Ông Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Việc dùng công nghệ tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của từng tác phẩm là để cái hồn, cái chất riêng, thông điệp của tác phẩm được lưu giữ mà không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện ngoại cảnh đời thực tác động và các thế hệ sau có thể dễ dàng tiếp cận. Đây cũng là minh chứng cho một thị trường NFT mang giá trị thật, không phải là “bong bóng” như một số ý kiến quan ngại”.

Các nền tảng NFT tại Việt Nam hiện nay đều không yêu cầu lưu ký (chứng nhận tác phẩm thật) đối với các tác phẩm thực tế trước, trong và sau khi tạo phiên bản NFT. Đây cũng là vấn đề các nhà sưu tập lo ngại, không thể loại trừ trường hợp một NFT nào đó được mã hóa từ ảnh chụp một bức tranh giả hoặc tranh nhái… Công nghệ sẽ còn những bước tiến dài, tuy nhiên, để nhận xét NFT có hiệu quả hay không, cần thêm thời gian và nhất là khung pháp lý liên quan đến giao dịch, thẩm định, sở hữu tác phẩm…

Tin cùng chuyên mục