Sớm hoàn thiện công cụ kinh tế

Năm 2023 vừa qua đã đánh một dấu mốc rất quan trọng đối với ngành lâm nghiệp nói riêng và lĩnh vực kinh tế xanh nói chung, khi lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Nguồn tiền này sẽ được dùng chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Cho đến nay, đây là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực này, nhưng không phải duy nhất. Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam được triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học, được các tổ chức quốc tế đánh giá là đã đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình khí sinh học, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD. Hiện mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn khí CO2 ) đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD.

Trong khi đó, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia ước tính có thể tạo ra lượng hàng hóa 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, giúp thu về gần 300 triệu USD/năm. Lợi ích từ việc bán được tín chỉ carbon đã rất rõ, tuy nhiên vấn đề không chỉ là thu được lợi ích, mà còn là việc bắt buộc phải làm để thực hiện lộ trình Net Zero (cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nền kinh tế xuống bằng 0) vào năm 2050 như đã cam kết.

Vấn đề là ở chỗ cho đến nay, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động này còn hạn chế, mặc dù việc trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện từ Việt Nam ra thế giới đã được một số ít doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo cơ chế “phát triển sạch” (CDM). Ngày 7-1-2022, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó nêu thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước là từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho biết, dự thảo đề án thành lập thị trường đã được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan, hiện đang tiếp tục được hoàn thiện. Nếu mọi việc thuận lợi, trong quý 1 này, dự thảo đề án sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành. Không có gì phải bàn cãi, cộng đồng doanh nghiệp hết sức mong mỏi đề án sớm được chính thức hóa. Dù đã có những giao dịch tự nguyện, song thị trường tín chỉ carbon chỉ phát huy hết hiệu quả, đem lại lợi ích thực sự khi được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục