Sứ mệnh của người trẻ

Tại tọa đàm nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, tổ chức mới đây tại Bảo tàng Sâm Ngọc Linh (quận Tân Phú, TPHCM) do Hội Di sản Văn hóa TPHCM tổ chức, câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản với người trẻ được nhiều người quan tâm.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM, chia sẻ: “Câu chuyện giữ gìn và phát huy các giá trị di sản cần có người trẻ song hành, bởi nếu chỉ có người già với nhau thì đó là hoài cổ, chính sức trẻ và sự sáng tạo của các bạn trẻ sẽ góp phần đưa di sản, văn hóa truyền thống phát triển hơn trong thời buổi hiện đại”. Thực tế, nhiều bạn trẻ bị “ép” phải thưởng thức di sản như nghe đờn ca tài tử, tham quan những nơi mà các bạn cho là “thiếu cảm xúc”… Trong khi, bản thân người trẻ chưa ý thức được việc bảo tồn di sản là của thế hệ hiện nay; cũng như tự thân ngành văn hóa chưa làm tốt sứ mạng truyền đi niềm hứng thú với di sản đến người trẻ. 

Là một du học sinh trở về từ Pháp, dù chuyên ngành học là tài chính, không liên quan đến di sản, nhưng anh Trần Công Danh (Công ty TNHH Du lịch Mê Kông Huyền Bí) quan tâm sâu sắc đến những giá trị di sản văn hóa trong nước. “Tôi nghĩ di sản không chỉ là câu chuyện bảo tồn và giữ gìn các di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể đã được công nhận, mà ngay chính văn hóa đời sống hàng ngày của chúng ta cũng là một nét di sản hay cần giữ gìn. Khi tôi đến dự tiệc tại nhà của một người bạn ở Pháp và đem theo một chai rượu vang để tặng họ thì rất bình thường, nhưng nếu tôi đem theo một món ăn Việt Nam như chả giò hay bình rượu Bàu Đá lại khiến họ thích thú và hỏi thăm rất nhiều. Hoặc trước đây, khi chưa có ảnh hưởng của dịch bệnh, những bạn bè nước ngoài đến với TPHCM, tôi luôn giới thiệu với họ về những nếp sinh hoạt đặc trưng của người thành phố như buổi sáng uống cà phê sữa đá, ăn bánh mì, đọc báo rồi mới bắt đầu vào công sở, công ty làm việc. Đó cũng là một nét hay về văn hóa ngay trong chính đời sống mà chúng ta cần giữ gìn và giới thiệu nhiều hơn đến với bạn bè quốc tế ”, anh Danh nói.

Một trong những quan tâm và lo lắng cũng được bà Lê Tú Cẩm đặt ra tại tọa đàm chính là di sản văn hóa con người. “Đôi khi chúng ta không nhìn thấy, không cầm nắm, không nghe được thì không quan tâm, nhưng di sản văn hóa con người là một điều rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa”. Do vậy, trong xã hội hiện đại, người trẻ phải ứng xử làm sao để mọi người nhìn vào biết đó là con người Việt Nam với những truyền thống và văn hóa ứng xử tốt đẹp. Trong câu chuyện giữ gìn và bảo tồn giá trị di sản hôm nay, phải có thêm khía cạnh di sản văn hóa con người, để chúng ta có thể tự hào với thế giới về con người Việt Nam có bản sắc văn hóa riêng, có những chuẩn mực ứng xử tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục